Như đã đưa tin, Bộ Công an vừa có thông tin ban đầu về vụ án “sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền" xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành.
Hiện tại cơ quan công an đã khởi tố 83 bị can, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng C50, Bộ Công an), Phan Sào Nam (chủ tịch Công ty VTC Online) và Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao).
Theo Bộ Công an, ba "ông lớn" viễn thông hưởng lợi hàng ngàn tỉ đồng từ đường dây cờ bạc liên quan đến cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.
Điều tra bước đầu xác định tổng số tiền đánh bạc của đường dây này lên tới hơn 9.500 tỉ đồng, trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%.
Số tiền 9.583 tỉ đồng thu được qua các cổng thanh toán sẽ được phân chia cho các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, doanh nghiệp phát hành thẻ game, nhóm đối tượng tổ chức và trả thưởng cho con bạc.
Trong đó, ước tính doanh nghiệp viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông).
Theo Bộ Công an, hoạt động tổ chức đánh bạc qua game bài khó có thể thực hiện được với quy mô lớn như Rikvip nếu không có các cổng trung gian thanh toán và các loại thẻ cào. Tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, Vinaphone, Mobifone) được hưởng 15,5%-16,3%.
“Lợi ích của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ cho hoạt động đánh bạc này là không nhỏ. Việc quản lý hoạt động phát hành và sử dụng thẻ cào viễn thông lỏng lẻo khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến” - Bộ Công an đánh giá.
Từ cơ sở trên, Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, đồng thời đưa nhiều nội dung nhằm khắc phục những sơ hở, hạn chế này trong dự thảo Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Cũng liên quan đến vụ án này, Văn phòng Chính phủ mới đây đã phát đi văn bản của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao các cơ quan rà soát tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý việc sử dụng các hình thức thanh toán trên Internet liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo Văn phòng Chính phủ, qua theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động Internet thời gian qua, nổi lên hiện tượng tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên Internet sử dụng một số hình thức thanh toán mới để thanh toán cho các hoạt động phi pháp như đánh bạc, mua bán hàng hóa, dịch vụ phi pháp...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5-2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên Internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới các hành vi vi phạm pháp luật (trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền...).