Sáng 15-11, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cùng Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có hiệu lực: Từ cam kết đến hành động của Việt Nam”.
Tại hội thảo, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đã cùng nhau thảo luận về Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các khía cạnh độc đáo của văn kiện này.
UNCLOS: Văn kiện pháp lý độc nhất vô nhị
Trình bày tham luận với chủ đề “giá trị pháp lý, vai trò của UNCLOS trong phân định biển và giải quyết tranh chấp” - GS-TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, nhận định rằng hội thảo lần này vô cùng đặc biệt khi thảo luận về các vấn đề xoay quanh UNCLOS - một chủ đề không chỉ mang tính quốc gia mà còn mang tính toàn cầu.
“UNCLOS 1982 không chỉ là ‘bản hiến pháp của nhân loại về đại dương’ mà còn là văn kiện pháp lý quốc tế trụ cột quan trọng nhất, đồ sộ nhất trong hàng ngàn năm lịch sử hình thành các quốc gia, xét về phạm vi và quan hệ mà UNCLOS điều chỉnh” - GS-TS Nguyễn Bá Diến nói về tính độc nhất vô nhị của UNCLOS 1982.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng bên cạnh hơn 1.000 điều khoản công ước khung, UNCLOS còn có nhiều điều ước quốc tế, các tiêu chuẩn, quy tắc... Với tổng cộng gần 1.500 điều khoản, do đó UNCLOS xứng đáng là bộ luật đồ sộ nhất từ cổ chí kim.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Bá Diến, tính độc nhất của UNCLOS còn thể hiện ở việc văn kiện này kế thừa các quy tắc nền tảng của luật quốc tế được quy định trong Hiến chương LHQ và UNCLOS đã cụ thể hóa, chi tiết hóa, luật hóa Hiến chương LHQ.
Một đặc điểm nổi bật khác của UNCLOS là UNCLOS không chỉ là “luật nội dung” mà còn là “luật hình thức” vì đã đưa ra phương thức giải quyết tranh chấp vừa chặt chẽ, vừa linh hoạt. Ngoài Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), để bảo đảm thực thi, theo quy định của UNCLOS 1982, một loạt cơ quan chuyên môn đã được thiết lập, như Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương (ISA), Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa (CLCS), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Viện Giải quyết các tranh chấp liên quan đến đáy biển,…
Đáng chú ý, sự ra đời của UNCLOS là lần đầu tiên lịch sử lập pháp nhân loại chứng kiến sự phân định vùng biển một cách rạch ròi. Cụ thể, UNCLOS đã đưa ra định nghĩa, phương pháp vạch đường cơ sở.
“Đây cũng chính là một trong những ưu điểm nhất và đã làm nên một trong những giá trị pháp lý quốc tế mang tầm vóc lịch sử nổi bật nhất của UNCLOS” - GS-TS Nguyễn Bá Diến kết luận.
Đối xử nhân đạo trên biển: Quy định nhân văn trong UNCLOS
Bên cạnh công nhận vai trò đặc biệt quan trọng của UNCLOS 1982, các tham luận tại hội thảo cũng đi sâu vào các quyền và nghĩa vụ được quy định trong văn kiện pháp lý này, tiêu biểu là nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển.
Trình bày tham luận với nhan đề “Nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển theo quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982”, PGS-TS Trần Thăng Long, Trường Đại học Luật TP.HCM, so sánh câu chuyện về luật biển với những câu chuyện tình yêu bởi tính vượt thời gian, không bao giờ lỗi thời.
PGS-TS Trần Thăng Long cũng nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của “nghĩa vụ đối xử nhân đạo” khi về bàn Luật Biển. Theo chuyên gia này, “đối xử nhân đạo trên biển” là “tập hợp các quy tắc, quy định và thực tiễn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm của con người trong các hoạt động hàng hải và tình huống khẩn cấp trên biển”.
PGS-TS Trần Thăng Long cho rằng “đối xử nhân đạo trên biển” là nghĩa vụ quan trọng, là trách nhiệm pháp lý của các quốc gia dù là có biển hay không có biển. Bên cạnh đó, nghĩa vụ này còn xuất phát từ đạo đức và trách nhiệm xã hội của mỗi quốc gia, con người khi tham gia vào hoạt động trên biển.
Vị chuyên gia gọi “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển” là sự kết hợp, gặp gỡ giữa hai bộ phận quan trọng của luật quốc tế là luật biển quốc tế và pháp luật về quyền con người.
Đề cập các đặc điểm của “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển”, PGS-TS Trần Thăng Long cho rằng đặc điểm nổi bật đầu tiên của nghĩa vụ này là tính phổ quát, tức là áp dụng cho mọi người gặp nạn trên biển, không phụ thuộc vào quốc tịch, chủng tộc, tôn giáo hay địa vị xã hội. Tính phổ quát cũng thể hiện qua việc nghĩa vụ này áp dụng trong mọi vùng biển, mọi loại tàu thuyền.
“Đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của nguyên tắc này, phản ánh giá trị nhân đạo phổ quát trong luật biển quốc tế” - PGS-TS Trần Thăng Long nhận định.
Một đặc điểm đáng chú ý khác của “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển” là tính khẩn cấp, thể hiện ở các yếu tố như thời gian phản ứng nhanh chóng, ưu tiên cứu người trước tài sản và duy trì liên tục cho đến khi đảm bảo an toàn
PGS.TS. Trần Thăng Long cũng cho rằng “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển” mang tính liên tục vì hoạt động cứu hộ diễn ra liên tục từ lúc phát hiện đến cứu hộ, trong suốt quá trình hỗ trợ và kết thúc cho đến khi đảm bảo an toàn.
Đặc điểm cuối cùng của “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển” là tính hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia, thể hiện qua việc chia sẻ thông tin và nguồn lực, phối hợp hoạt động cứu hộ.
Về vai trò của UNCLOS trong việc thúc đẩy nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển, vị chuyên gia lưu ý rằng UNCLOS đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó các quy định về đối xử nhân đạo trên biển được thể chế hóa và trở thành yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với tất cả các quốc gia thành viên.
Cụ thể, Điều 98 UNCLOS quy định rằng “mọi quốc gia phải yêu cầu thuyền trưởng của tàu mang cờ quốc gia mình, trong chừng mực có thể thực hiện được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho tàu, thủy thủ đoàn hoặc hành khách” thực hiện các nghĩa vụ cứu nạn.
Đồng quan điểm, GS-TS Nguyễn Bá Diến cũng cho rằng mục tiêu của UNCLOS, Hiến chương Liên Hợp Quốc hay nhiều văn bản pháp lý khác đều hướng tới bản về quyền con người.
Bổ sung cho các luận điểm trên, TS Hồ Nhân Ái, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, cho rằng trong thực tiễn, việc tuân thủ “nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển” hay các nghĩa vụ của luật quốc tế phụ thuộc vào nhận thức và hành động của các quốc gia.
Trao đổi tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng ngoài quy định nghĩa vụ đối xử nhân đạo trên biển với tàu thuyền hoặc con người, UNCLOS 1982 còn quy định về nghĩa vụ đối xử nhân đạo với phương tiện bay trong trường hợp xảy ra sự cố về hàng không trên biển.
Theo ThS Nguyễn Thị Thanh Huyền, điều này cho thấy tính đặc biệt của UNCLOS 1982 vì ngay cả Công ước Chicago năm 1944 về Hàng không Dân dụng Quốc tế cũng không có một điều khoản nào trực tiếp quy định về nghĩa vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên các phương tiện bay.