Nếu SEA Games (Đại hội Thể thao Đông Nam Á) chỉ có 11 quốc gia thi đấu với số môn hạn chế thì ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á) có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với quy mô rộng hơn rất nhiều cùng nhiều yêu cầu gắt gao. Quan trọng hơn là tư thế chủ nhà bao gồm công tác tổ chức điều hành và lực lượng vận động viên đại diện cho quốc gia đăng cai…
Chuẩn bị lực lượng còn sơ sài hơn cả SEA Games 22 - 2003
Để chuẩn bị cho SEA Games 22-2003 tại Việt Nam, thể thao Việt Nam đã lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng từ năm 1990 với lộ trình cho lứa VĐV “nòi” tập huấn tại Trung Quốc. Đó là thế hệ của cô bé vàng Nguyễn Thị Ngân Thương đi tập huấn miệt mài ở Quảng Châu, Trung Quốc mà còn thút thít khóc vì nhớ nhà và tối ngủ vẫn ôm gấu bông nằm bên “bảo mẫu”. Đây là lứa VĐV mà Sở TDTT TP Hà Nội được đầu tư với nguồn kinh phí rất lớn nhắm đến điểm rơi SEA Games 2003 và quả thật đã gây bất ngờ lớn với các quốc gia trong khu vực về lực lượng VĐV ém quân ăn tập suốt ở Trung Quốc hơn 10 năm. Những chiếc HCV thể dục vốn là điểm mạnh của Thái Lan, Singapore, Malaysia… đã bị chính lứa VĐV “nòi” của chủ nhà Việt Nam tranh giành quyết liệt.
Song song với chiến lược ém quân tập luyện từ tuổi thiếu niên của Sở TDTT TP Hà Nội, thể thao Việt Nam còn tính đến việc phân vùng cho từng địa phương trong việc đầu tư về con người và những môn thế mạnh với cách làm từ xa nhưng có điểm rơi. Chẳng hạn môn Taekwondo giao hẳn cho Liên đoàn Võ thuật tại TP.HCM kết hợp với Hàn Quốc lên chương trình tập huấn từ trước đó nhiều năm. Pencak silat móc nối với Indonesia vốn là ông tổ của môn này và có những thương thảo hợp tác. Judo thì bắt tay với Nhật không chỉ tập huấn mà còn thi đấu dài hạn… Billiards lẫn bi sắt giao hẳn cho TP.HCM quản lý và phát triển lẫn hướng dẫn cho các đoàn bạn tập huấn, tham dự…
Niềm vui của các thành viên ở Ủy ban Olympic Việt Nam và Bộ VH-TT&DL khi giành quyền đăng cai ASIAD 18-2019. Ảnh: QUANG THẮNG
Chúng tôi còn nhớ thời điểm chuẩn bị điểm rơi cho SEA Games 2003, trong lần trao đổi với Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Hà Quang Dự và Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh đã nghe hai ông tâm sự: “Không gì hạnh phúc khi đăng cai giải thể thao lớn tại quê hương mà người hâm mộ được nhìn quốc kỳ nước mình kéo lên cao nhất và nghe quốc ca nước mình trỗi lên ở buổi lễ trao huy chương. Vì vậy mà chúng ta phải tính đến việc đoạt huy chương một cách xứng đáng với tư thế chủ nhà và niềm vinh dự của chủ nhà…”.
Dài dòng của chuyện SEA Games 2003 tại Việt Nam để nhìn vào ASIAD 18-2019 chỉ còn năm năm nữa nhưng đến nay lực lượng VĐV chuẩn bị cho ASIAD trên sân nhà chúng ta đã có gì và chuẩn bị gì?
Năm năm tới chắc chắn những thế hệ VĐV như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyệt Ánh (karatedo), Văn Ngọc Tú (judo)… hoặc chia tay sàn đấu chuyển công tác, hoặc không còn ở đỉnh cao. Vậy thì hiện nay bài toán về xây dựng lực lượng cho ASIAD của thể thao Việt Nam nằm ở đâu?
Chúng tôi lấy đơn cử một bài toán gần gũi nhất đó là kinh phí rót cho việc xây dựng lực lượng đội tuyển bóng đá nữ ở Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ triển khai từ 2013 nhưng đến nay gãy từ trứng nước vì quân “tinh” thì địa phương không cho đi, còn cầu thủ yếu hơn thì lại được tập trung theo kiểu địa phương cho gì thì đào tạo nấy.
Nói về vấn đề này, cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao và là trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhiều đại hội lớn Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: “Tôi từng làm việc trực tiếp nên tôi biết những VĐV đạt đẳng cấp châu lục của chúng ta rất ít, trong khi để đào tạo ra những VĐV như thế phải mất quy trình 8-10 năm. Ngay cả những VĐV trẻ xuất sắc cũng phải mất 4-6 năm. Ai cũng mong muốn nếu giải đấu diễn ra ở nước ta thì thành tích phải ở mức khá nhưng nằm trong tốp 10 ASIAD mà con người và cách đầu tư hời hợt như hiện nay là bài toán rất nan giải và không khả thi”.
Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình và cung điền kinh sau các đại hội thể thao lớn đã không được sử dụng đúng chức năng và được đưa vào khai thác ngoài thể thao. Ảnh: QUANG THẮNG
Cơ sở vật chất từ xây mới đến những công trình bỏ phí
Bàn về cơ sở vật chất cho ASIAD, Bộ VH-TT&DL đưa ra kế hoạch: Xây mới những gì cần xây, còn lại là tận dụng những công trình sẵn có và sửa chữa, nâng cấp…
Thực tế thì cơ sở vật chất ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng được một phần, trong khi để tổ chức ASIAD thì ngoài những môn ta chưa có nhưng Ủy ban Olympic châu Á bắt buộc phải hoàn thành và đưa vào sử dụng, thi đấu như đua ngựa, đua xe lòng chảo thì buộc phải làm mới.
Nói đến làm mới để được đăng cai, nhiều người vẫn ngao ngán với nhiều công trình làm mới cho SEA Games 2003 đến khi tổ chức xong lại bỏ phí hoặc sử dụng sai chức năng. Như khu liên hợp Mỹ Đình đến nay có nhiều nơi bị biến thành điểm massage hay nhà hàng, quán nhậu, bãi xe… trương bảng từ bên ngoài khu liên hợp dẫn vào. Phí nhất là công trình trên 540 tỉ đồng cho cung điền kinh để tổ chức Đại hội Thể thao trong nhà châu Á chỉ sử dụng hai tuần cho đại hội, xong lại được tháo dỡ đường chạy biến công năng thành sân tennis để… cho thuê và thành kho, bãi…
Ngoài ra, phần cơ sở vật chất còn phải mua sắm thêm nhiều thiết bị để đáp ứng yêu cầu và đặc biệt là nâng cấp các công trình đã xuống cấp sau khi dùng phục vụ cho nhiều hoạt động khác ngoài thể thao. Nói như ông Nguyễn Hồng Minh khi tranh luận và phản biện với những người cố kéo ASIAD về bằng mọi giá là: “Nhiều địa điểm tổ chức các giải chỉ còn được xem như cái nhà và cái nhà đó cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn tổ chức ASIAD…”.
Chuyện xây mới để phục vụ ASIAD là cần thiết nhưng hậu ASIAD thì những công trình như đường đua lòng chảo hay sân đua ngựa thì sẽ làm gì? Nhiều người đang lo nó sẽ lại bị phá ra và biến thành những bãi phục vụ khác như cung điền kinh hơn 540 tỉ đồng sau mùa điền kinh trong nhà lại bị “làm cỏ”.
Lực lượng điều hành ASIAD
Tại ASIAD 18-2019 có 10-12 môn Việt Nam hoàn toàn không có kinh nghiệm tổ chức nên buộc phải thuê chuyên gia nước ngoài đến hướng dẫn hoặc thuê họ trực tiếp điều hành. Điều này muốn làm được phải có kinh phí và có thời gian chuẩn bị trước đó nhiều năm.
Tai ASIAD Bangkok 13-1998, Thái Lan khi nhận quyền đăng cai đã có bảy năm để chuẩn bị và họ đã xem SEA Games 1995 tại Chiang Mai (Thái Lan) như một thử nghiệm nhỏ. Để trả lời cho việc Ủy ban Olympic châu Á không tin Thái Lan có thể điều hành thành công những môn như đua ngựa, canoeing, rowing, tennis, hockey trên cỏ… Thái Lan đã cử cán bộ đi học những khóa điều hành 4-5 năm trước. Cẩn thận hơn, Thái Lan còn tổ chức những giải tiền ASIAD dành riêng cho những môn họ cần học tập về công tác điều hành để lấy đó làm các cuộc tổng diễn tập trước ASIAD.
Thậm chí khi các quốc gia trong khu vực lên tiếng về việc tổ chức tại một TP nổi tiếng kẹt xe ở thế giới thì Thái Lan tuyên bố đảm bảo sẽ không có cảnh xe dừng quá năm phút vì kẹt xe. Kết quả là ASIAD 1998 đấy chưa đoàn nào dám than phiền về phương tiện đi lại và kẹt xe bởi chính phủ Thái đã xây hẳn một đường cao tốc dành riêng cho ASIAD từ Bangkok đến hai khu liên hợp Hur Mar và Thammasat. Ngoài ra để tập huấn cho đội ngũ điều hành, phía Thái Lan đã mời các chuyên gia hàng đầu ở Anh và Mỹ sang hướng dẫn với những khóa tập huấn và đặc biệt ấn tượng là đội ngũ tình nguyện viên luôn hết mình với mọi thắc mắc của các đoàn dự ASIAD.
LÊ HỒNG - NGUYỄN HUY
Hai “dự án” trước và sau một công văn Trong đề án vận động đăng cai ASIAD 2019 được thực hiện vào năm 2011, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5.155 tỉ đồng, tức gần 300 triệu USD. Trong số này nguồn ngân sách chiếm 4.979 tỉ đồng (96%). Ngày 9-4-2011, Bộ Tài chính đã có công văn trả lời nêu rõ: “Khoản ngân sách 4.979 tỉ đồng là một gánh nặng với Nhà nước. Con số này chỉ là khai toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều. Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước những năm tới còn khó khăn, vẫn cần ưu tiên bố trí chi cho những công trình thiết yếu... Trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép”. Sau công văn trên, lập tức hồ sơ chi tiết về kế hoạch đăng cai đã thay đổi nhanh đến chóng mặt. Bộ VH-TT&DL đã lùi con số 5.155 tỉ đồng xuống mức 3.000 tỉ đồng tức khoảng 150 triệu USD. Đồng thời, tỉ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỉ lệ khiêm tốn 4% đã được đẩy lên mức 72%! ĐT Chưa khai mạc ASIAD đã nợ Đây là chuyện ở ASIAD Incheon (Hàn Quốc) 2014 khai mạc vào ngày 19-9-2014 nhưng từ bây giờ ban tổ chức đã ôm những khoản nợ rất lớn. Sáu tháng trước ngày khai mạc, phía Hàn Quốc đã thông báo chi hết 1,62 tỉ USD cho Đại hội Thể thao châu Á. Không biết từ nay đến ngày khai mạc và khi kết toán sau đại hội, con số trên sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng theo Korea Times thì tổng nợ của TP Incheon đến tháng 4-2012 đã là 3.000 tỉ won (tương đương 266 triệu USD). Con số nợ này tăng quá cao so với thời điểm TP Incheon nhận quyền đăng cai ASIAD vào năm 2007 là 1.400 tỉ won (khoảng 130 triệu USD). Tháng 9-2014 mới khai mạc ASIAD 17-2014 nhưng bây giờ những con số đang là gánh nặng của người dân Hàn Quốc và TP Incheon cho dù Hàn Quốc nổi tiếng với kinh nghiệm tổ chức thế vận hội và World Cup còn ASIAD thì không phải là lần đầu. Nhìn sang chuyện Hàn Quốc với ASIAD đang cận kề lại thấy lo lo cho ASIAD 18-2019 tại Việt Nam với những đề án “siêu rẻ” cùng cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước. NGUYỄN NGUYÊN |