Chiều 31-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã đến thăm và làm việc với lãnh đạo Nhà máy Intel Việt Nam tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Tại buổi làm việc, bà Sherry Boger – Tổng giám đốc Nhà máy Intel Việt Nam cho biết đang sản xuất 3/4 sản phẩm chủ đạo của Intel. Hiện, nhà máy có 1.332 nhân viên, trong đó có 39% là nữ.
Bà Sherry cũng cho biết, sau 10 năm hoạt động, Nhà máy Intel Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 4,56 tỷ USD vào năm 2016, tăng gần 100 lần so với năm đầu tiên (56 triệu USD).
Năm 2015, Nhà máy Intel Việt Nam đóng góp 12,4% tổng giá trị xuất khẩu của TP.HCM và đóng góp cho 100 triệu USD cho GDP Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM
Cũng theo bà Sherry, để khai thác tiềm năng nhà máy tại Việt Nam cũng như duy trì sự phát triển cạnh tranh của Intel, nhà máy phải tạo ra sản phẩm công nghệ tốc độ cao và cạnh tranh về chi phí. Nhà máy sẽ mở rộng diện tích xưởng sản xuất. Dự kiến, trong năm 2017 nhà máy sẽ tăng thêm vài trăm nhân viên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đánh giá cao những đóng góp của Nhà máy Intel đối với sự phát triển kinh tế của TP. Trong đó, đáng chú ý là Intel đã giúp sản phẩm sản xuất tại TP.HCM đi khắp thế giới. Qua đó, Intel góp phần quảng bá hình thành phố và Việt Nam với quốc tế.
Bí thư Thăng cũng đánh giá cao sự tích cực của Nhà máy Intel Việt Nam trong việc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Những kết quả Nhà máy Intel Việt Nam đạt được đã góp phần nâng cao năng suất lao động của TP.
Trên cơ sở kết quả đạt được, ông Đinh La Thăng đề nghị Nhà máy Intel thành lập trung tâm nghiên cứu phát triển, giúp thành phố phát triển mô hình thành phố thông minh. Đồng thời, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo giúp thành phố phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tặng quà của Thành ủy cho lãnh đạo Intel. Ảnh: TÁ LÂM
Ông Thăng cũng mong muốn Intel giúp các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm cho Nhà máy Intel Việt Nam và tập đoàn.
Bí Thăng cũng khẳng định, TP.HCM đang tích cực và sẵn sàng đóng nhận cuộc cách mạng nghiệp lần thứ 4. Ông mong muốn Intel giúp TP nắm bắt được thời cơ của cuộc cách mạng này để thành phố phát triển nhanh và mạnh hơn nữa.
“Thành phố cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để Nhà máy Intel Việt Nam phát triển giai đoạn 2 cũng như đưa công nghệ mới vào sản xuất” – ông Thăng nói.