Tại buổi lễ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn cho rằng hầu hết các sản phẩm dự thi đã thể hiện được tư duy sáng tạo, khả năng làm việc của nhóm, sự quan tâm đến các vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong cuộc sống hằng ngày của các em để xây dựng các sản phẩm dự thi có ý nghĩa ứng dụng được thực tế cao. Đặc biệt là những sản phẩm hỗ trợ cho các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Tác phẩm đoạt giải nhất trong cuộc thi là tác phẩm "Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật" do nhóm sinh viên từ ĐH Công nghệ Đồng Nai sáng chế. Với con robot có thể trở thành chiếc xe lăn để di chuyển hoặc có thể chuyển thành chiếc giường để người sử dụng có thể ngủ hoặc nằm. Bên cạnh đó, Robot có thể nâng lên hoặc hạ xuống trong khoảng nhất định để người sử dụng có thể di chuyển từ robot sang giường nằm mà không cần sự giúp đỡ từ người khác.
Tác phẩm "Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật" do nhóm sinh viên ĐH Công nghệ Đồng Nai sáng chế giành giải nhất.
Vòng chung khảo cũng đón nhận nhiều sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao, rất bổ ích như găng tay thông minh, xe lăn dành cho người bại liệt, hệ thống hỗ trợ và cảnh báo ngủ gật cho lái xe, hệ thống hỗ trợ người dùng và cảnh báo kẻ gian khi sử dụng xe buýt… Các sản phẩm này đều do các nhóm sinh viên các trường đại học, học viện trên cả nước chế tạo.
Cuộc thi Nhà sáng tạo Việt Nam với Intel Galileo lần thứ hai đã được triển khai từ đầu tháng 6-2016 với sự tham gia của 110 ý tưởng đăng ký dự thi đến từ 29 trường đại học, học viện, trong đó có một số trường có nhiều ý tưởng đăng ký tham gia là ĐH Thông tin - Truyền thông Thái Nguyên (21 ý tưởng), ĐH Bách khoa Đà Nẵng (15 ý tưởng), ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) (chín ý tưởng), ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (13 ý tưởng).
Ban giám khảo đã chấm, lựa chọn được 42 ý tưởng xuất sắc nhất vào vòng sơ khảo. Sau ba tháng triển khai, 16 tác phẩm xuất sắc nhất của 41 sinh viên đến từ 14 trường đại học, học viện trong cả nước đã được chọn tham gia vòng chung khảo.