Đã nghe đã thấy: Cổng chào và giường bệnh

Cổng chào này nằm trong cụm công trình điểm dừng chân được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140 ha trên khu vực quốc lộ 18 tiếp giáp với tỉnh Hải Dương. Công trình được đầu tư lớn với số vốn lên đến 198 tỉ đồng.

Ở một thái cực khác là những hình ảnh nhếch nhác ở các bệnh viện (BV). Bệnh nhân quá tải trong khi cơ sở vật chất của BV lại quá tệ, do vậy tình trạng nằm ghép trên cùng một giường trong thời gian điều trị không còn là chuyện lạ với các bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ rất xót xa nếu điều này xảy ra với các bệnh nhi. Khi bệnh thì người lớn nằm giường ghép còn thấy khó chịu huống hồ là con trẻ. Thế nhưng chuyện 4-5 cháu bé phải nằm chung một giường bệnh lại là hiện tượng thường xuyên xảy ra tại khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1.

Người lớn dù có đau đớn, khó chịu khi phải nằm ghép thì cũng phải gắng chịu vì sợ ảnh hưởng đến bệnh nhân đang nằm chung giường với mình. Bệnh nhi thì không. Do vậy, để tránh phiền hà cho các bé khác cùng giường, nhiều cha mẹ phải bế cháu đang khóc gắt, khó chịu đi chỗ khác. Và “chỗ khác” đó chính là hành lang. Nơi người nhà và trẻ bệnh cứ nằm la liệt cho đến tận khu vực vệ sinh của khoa. Một phụ huynh chia sẻ một cách cay đắng rằng những ngày ở BV là “những trải nghiệm khủng khiếp mà có nằm mơ cũng không thể thấy được”. Các bé bị bệnh cần điều trị nhưng ngay cả “nơi nằm truyền thuốc cũng không đủ. Phải xếp hàng chờ ngoài hành lang ngay cả lúc 1, 2 giờ sáng để được truyền thuốc”. Đó là chưa nói đến tình trạng nằm chung giường bệnh có thể khiến các bé bệnh nhẹ sau thời gian điều trị sẽ được “khuyến mãi” thêm một vài bệnh nặng khác nữa.

Ước gì một BV được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140 ha thay vì cái cổng chào với khối sắt thép nặng nề vô cảm…

Ước chi khoảng trên ngàn tấn sắt thép lắp dựng cái cổng chào được dùng để làm thêm giường cho các bệnh nhi…

Ước gì người ta đầu tư cho mỗi trẻ em Việt Nam có sức khỏe như một Thánh Gióng, như vậy cả nước Việt sẽ hóa rồng chứ không chỉ là việc tạo dáng hình con rồng cho những họa tiết của một cái cổng.

Nhưng “cũng chỉ là mơ ước thôi” khi mà nhiều nơi còn thích chạy theo những thành tích, những cái nhất đầy huyễn hoặc về chất lượng sống của người dân…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm