Ông Nguyễn Thanh Vân cho rằng việc đổi tên Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã “thể hiện ra cơ chế lập pháp vô cùng đặc thù, chưa từng có tiền lệ”.
ĐBQH Lê Thanh Vân. Ảnh: QH
Theo ông Vân, khoản 9 Điều 70 Hiến pháp 2013 quy định thẩm quyền thực hiện các đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc QH. Khoản 8 Điều 74 Hiến pháp trao UBTVQH thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, tức là cấp huyện.
“Ở đây chúng ta trộn lẫn thẩm quyền của QH và UBTVQH bằng cách chỉ định luôn luật này các đơn vị cụ thể. Đây dường như là hình thức lập pháp vượt trội nhất trong lịch sử lập pháp Việt Nam” - ông Vân bình luận.
Một vấn đề khác được ĐBQH Cà Mau quan tâm là các quy định liên quan đến chính sách ưu đãi. Theo ông Vân, việc thu hút đầu tư không nhất thiết bằng cách miễn thuế, miễn tiền cho thuê đất, quan trọng là môi trường đầu tư, là minh bạch trong hoạt động của bộ máy chính quyền, là phẩm hạnh của cán bộ chính quyền. Nhiều nhà đầu tư thấy cái lợi trong ưu đãi nộp thuế nhưng hành xử của bộ máy chính quyền lại tham nhũng, gây khó dễ, phiền hà thì tiền họ được ưu đãi đó có khi còn nhỏ hơn tiền lobby cho những chính sách khác.
“Trên thực tế, tự thân ba khu vực này đã được thiên nhiên dành cho ưu đãi, thời gian qua nhà nước cũng đầu tư hạ tầng khá nhiều. Nếu chúng ta cho phép có những ưu đãi hết sức vượt trội như miễn tiền thuê mặt đất, mặt nước 30 năm, tài sản đó lại được mang đi thế chấp. Vậy sự công bằng trong đối xử về mặt pháp lý về chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, những vùng đang cần khuyến khích như vậy đã bình đẳng chưa? Ở đây có sự xung đột pháp lý trong chính hệ thống pháp luật nội địa” - ông Vân nói.
Ông Vân cũng cho biết cá nhân ông không tán thành với thời gian quá dài, thậm chí đến 90 năm. “Ba đơn vị dự kiến là ba vị thế hết sức nhạy cảm, ba vị trí tiền tiêu. Đến nay chưa có một chuyên gia về quốc phòng an ninh của QH lên tiếng đánh giá tác động ra sao... Mà ba vị trí này nhô ra ngoài biển Đông, xem xét dưới góc độ phòng thủ quốc gia thì thế nào” - ĐBQH nhấn mạnh và nhắc tới xu thế thế giới đang có vận động thay vì quyền lực cứng là vũ khí, tấn công, vũ trang bằng quyền lực mềm - đó là mua chuộc cán bộ, lồng ghép chính sách, cài cắm dân cư...
Liên quan đến việc tổ chức chính quyền đặc khu, ông Vân nhận xét dự thảo xây dựng mô hình hỗn hợp, với phiên bản của tổ chức chính quyền địa phương hiện hành có kèm theo các tuyến giám sát giám sát, đó là Trung ương thẳng xuống, là quan hệ ngang giữa HĐND của đặc khu với 15 người nhưng không rõ cơ chế kiểm soát quyền lực.
“Tại sao với một hội đồng 15 người, cơ bản là chuyên trách nhưng lại không hoạt động thường xuyên. Vậy họ hoạt động kiểu gì? Nếu chúng ta quy định họ hoạt động thường xuyên thì đó là mô hình đột phá mà chúng ta tham khảo từ các nước khác. Vậy tại sao không ghi vào đây để giám sát thường xuyên, vì quyền trao cho chủ tịch đặc khu quá lớn nhưng trách nhiệm lại không rõ ràng” - vẫn lời Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách.
“Cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chủ tịch UBND đặc khu thế nào? Cần quy định theo một tư duy mới là ưu đãi vượt trội thì trách nhiệm và chế tài cũng phải vượt trội. Trong khi ta lại lấy các đạo luật thông thường khác, với chế tài thông thường để ứng xử với những vi phạm của người được trao những quyền quá lớn như vậy. Đó là chưa kể đến việc với quy trình tuyển chọn cán bộ, bầu bán cán bộ như hiện nay rất khó chọn người tài để đáp ứng được vị trí, vai trò” - ông Vân nói.
Đặc biệt, với quy định như dự thảo, theo ông Vân, “sự liên kết lợi ích nhóm có thể trỗi dậy”.
“Chúng ta thừa biết những vi phạm pháp luật vừa qua diễn ra trong điều kiện chưa có ưu tiên vượt trội, thế mà lợi ích nhóm đã hình thành, lạm dụng quyền lực, bòn rút ngân sách trá hình. Bây giờ cho vượt trội lại không có lồng quyền lực để giám sát chặt chẽ thì rất đáng lo ngại” - ĐBQH Cà Mau nhận định.