Mạo danh trong khoa học: Không thể có kết quả tốt

Dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 bất ngờ lộ ra nhiều thông tin mới khi trong tuần qua có tới ba nhà khoa học lên tiếng vì bị mạo danh. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, GS Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật ĐHQG Hà Nội, nói: “Ô nhiễm môi trường đang là một trong những vấn đề nóng của xã hội chúng ta. Vì vậy mọi quyết định của các cơ quan và các chủ thể khác trong xã hội liên quan đến môi trường cần phải hết sức cẩn trọng. Nhưng rất tiếc ở dự án này có tới ba nhà khoa học đã lên tiếng vì bị mạo danh”.

Cơ sở khoa học có vấn đề

. Phóng viên: Khi có tới ba nhà khoa học lên tiếng vì bị mạo danh, theo ông dự án nhận chìm đó có còn cơ sở khoa học vững chắc không?

+ GS Nguyễn Đăng Dung: Một khi đã có ba nhà khoa học cho rằng họ đã bị mạo danh thì chính cơ quan ra quyết định cấp giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát đó phải có quyết định dừng giấy phép này lại. Đồng thời, cơ quan đó phải xem lại tính chính xác của hồ sơ thẩm định. Bởi điều này cũng có nghĩa là cơ sở khoa học, một trong những căn cứ của giấy phép mà Bộ TN&MT cấp cho Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển gần Hòn Cau có vấn đề.

Bộ TN&MT, xét đến cùng, vẫn phải là cơ quan chịu trách nhiệm về hệ quả hoặc hậu quả của quyết định cấp giấy phép. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là đối với dự án này và các dự án có ảnh hưởng tới môi trường khác thì ý kiến người dân là rất quan trọng. Khi đánh giá tác động của dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển, tôi nghĩ người dân xung quanh khu vực này cũng phải được hỏi ý kiến, có thể thông qua các tổ chức hoặc hiệp hội của họ.

Dự án chỉ hỏi ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các nhà khoa học thì cũng chưa đủ.

. Vậy với ba nhà khoa học bị mạo danh, dù họ đã lên tiếng trên báo chí, theo ông họ nên có những động thái nào tiếp theo?

+ Lên tiếng trên báo chí là điều rất tốt và trách nhiệm rồi. Nhưng theo tôi, để bảo vệ quyền lợi và trách nhiệm của mình tốt hơn, ba nhà khoa học bị mạo danh phải lên tiếng chính thức bằng cách gửi đơn, thư khiếu nại lên chính Bộ TN&MT để làm rõ sự không tham gia của mình và yêu cầu đơn vị tư vấn rút tên của mình ra khỏi danh sách tham gia dự án nhận chìm.

Trong trường hợp đơn của các nhà khoa học không được giải quyết thì họ có thể khởi kiện ra tòa án.

Giả dối thì không thể có kết quả tốt

. Theo ông, tình trạng mạo danh trong khoa học tại Việt Nam hiện nay có phổ biến hay không?

+ Ngoài sự mạo danh trong trường hợp nêu trên, sự mạo danh còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế, văn hóa… Không ít nhà khoa học từ trước tới nay không biết mình bị mạo danh hoặc khi biết thì sự việc đã rồi. Vả lại, các nhà khoa học thường tập trung cho chuyên ngành của mình nhằm nghiên cứu, phục vụ tốt hơn cho xã hội. Có thể đó cũng là lý do khiến các nhà khoa học cũng ít và thường là không làm ầm ĩ việc mình bị mạo danh.

. Việc mạo danh, theo ông sẽ gây ra những tác hại gì đối với sự phát triển lành mạnh của xã hội?

+ Đương nhiên, mạo danh nói riêng hay sự gian dối nói chung có tác hại rất lớn cho sự phát triển của xã hội. Nó làm giảm đi giá trị trung thực, tính chính xác và khả tín trong khoa học. Một khi các quyết sách dựa trên cơ sở không có sự trung thực, chính xác, khả tín thì không thể có kết quả tốt. Bởi điều tất yếu là không thể có một kết quả tốt trên một nền tảng xấu.

. Để triệt tiêu tình trạng mạo danh, theo ông cần có những giải pháp nào từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và chính bản thân các nhà khoa học, chuyên gia?

+ Có nhiều biện pháp cho việc ngăn chặn tình trạng gian dối này. Về pháp lý, các nhà khoa học phải biết quyền của mình bị xâm hại và khiếu nại đến các cơ quan ban hành quyết định dựa trên cơ sở của những bằng chứng giả mạo. Cơ quan nhà nước phải xử lý nghiêm minh những trường hợp mạo danh. Bởi xét đến cùng thì cơ sở pháp lý để xử lý những vấn đề này đã rất đầy đủ. Nó nằm trong BLHS, Luật Sở hữu trí tuệ… và các văn bản khác.

Với các nhà khoa học đang bị mạo danh, họ phải cương quyết chống hiện tượng này bằng cách kiện ra tòa những chủ thể đã mạo danh mình.

Bên cạnh những biện pháp nói trên, phải nâng cao đạo đức của những công chức soạn thảo và ban hành quyết định hành chính. Tiếp đến phải phân biệt rõ các vai trò giữa người soạn thảo, ban hành quyết định hành chính với cơ quan, tổ chức tư vấn cho quyết định…

. Xin cám ơn ông.

Việc mạo danh tên tuổi, học hàm, học vị khoa học là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của ba nhà khoa học nói trên. Các nhà khoa học bị mạo danh hoàn toàn có quyền khởi kiện đòi bồi thường. Vì rõ ràng bằng việc mạo danh các nhà khoa học này, công ty tư vấn cho dự án đổ 1 triệu m3 bùn, cát xuống biển gần Hòn Cau đã thu lợi bất chính “tiền thẩm định dự án”.

Tuy vậy, cần phải thấy rằng việc mạo danh các nhà khoa học không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có ở khá nhiều nơi. Nhưng hầu như hành vi sai trái này đều chưa bị xử lý hay phải bồi thường tương xứng để răn đe, ngăn chặn. Việc mạo danh nhưng không bị xử lý dẫn đến hệ quả lớn hơn là không khuyến khích được nghiên cứu phát triển khoa học.

Luật sư NGUYỄN THẾ TRUYỀN, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy