'Tôi rơi nước mắt khi thấy công nhân ngâm mình vớt rác'

Sáng 11-7, HĐND TP.HCM thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải đề nghị các ĐB tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội và chương trình hoạt động giám sát năm 2019 của HĐND với một số nội dung: đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước,…

ĐB Nguyễn Thị Việt Tú cho biết mình đã khóc khi thấy hình ảnh công nhân ngâm mình vớt rác. Ảnh: LONG HỒ

ĐB khóc khi thấy công nhân ngâm mình dưới cống rác
ĐB Nguyễn Thị Việt Tú chia sẻ: Vừa qua trong chương Lắng nghe và Trao đổi với HĐND TP, bà đã nghe về công việc anh Ngô Chí Hùng, công nhân công ty thoát nước. “Ngồi xem qua truyền hình nhưng tôi không cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh như vậy. Khi một trong những nguyên nhân gây ngập nước chính là việc bỏ rác xuống cống ngăn dòng thoát nước, gây ngập nước trên địa bàn TP” – bà Tú nói.
Theo ĐB Tú, phải xây dựng được ý thức người dân bằng việc tuyên truyền, cùng với hình thức xử phạt. “Đặc biệt, trong quá trình chờ người dân thay đổi ý thức, tôi thiết tha mong TP nghiên cứu trang bị trang phục bảo hộ cho công nhân làm việc dưới môi trường cống, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất bẩn khi làm việc” – ĐB Tú đề nghị.
ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết cũng thừa nhận rác là vấn đề không nhỏ, nếu đầu tư sẽ mang lại nguồn thu. Còn nếu xử lý không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Nếu không có ý thức thì hậu quả cũng như những gì công nhân chia sẻ hôm Lắng nghe & Trao đổi; là rác gây ngập, nghẹt cống…” – bà nói.
ĐB Tuyết cũng đề nghị TP đầu tư xử lý rác hiệu quả. Việc phân loại rác tại nguồn đã tốt nhưng ý thức người dân chưa cao. Phải xử lý nghiêm đối với những người có hành vi xả rác nơi công cộng.
Cần nghiêm túc nhìn lại mình
ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cũng nhìn nhận: “Trong chương trình Lắng nghe và Trao đổi của HĐND TP vừa rồi, hình ảnh anh công nhân làm việc trong môi trường cống bẩn thỉu, tối tăm đó, cái chính là do TP đã góp phần vào nỗi cực nhọc của anh công nhân”.
ĐB Trâm cho rằng tình trạng xả rác xuống cống cũng chỉ xoay quanh vấn đề ý thức. “Tại sao ý thức đơn giản đó không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân. Tôi cho rằng lỗi người dân là một thì lỗi người quản lý là mười. Chúng ta đã có luật hết, sao không áp dụng được và xử phạt nghiêm hành vi vi phạm mà có cảm giác chỉ tổ chức theo phong trào, chưa quyết liệt trong mỗi lần ra quân, sau đó đâu lại vào đấy” – ĐB Trâm nêu.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng có cảm giác xử phạt hành vi đổ rác chỉ tổ chức theo phong trào, sau đó đâu lại vào đấy. Ảnh: MINH THANH

Theo bà, cán bộ phải làm gương trong việc giữ vệ sinh chung và phân loại rác tại nguồn. Vừa qua, nổ ra câu chuyện lãnh đạo bốn công ty dịch vụ đô thị TP có thu nhập khủng trong khi người công nhân dấn thân vào làm việc này thì có thu nhập quá thấp. Như vậy thì làm sao xây dựng được ý thức người dân. Người dân đóng đủ các loại phí thì phải được hưởng các quyền lợi đi kèm.
ĐB Trâm nhấn mạnh: “Đứng vai trò quản lý, chúng ta đã chưa làm tròn trách nhiệm, chúng ta đã buông lỏng quản lý. Nhiều dự án thoát nước được nghiệm thu nhưng thiếu phản biện khoa học, trong khi ý thức người dân chưa cao thì quản lý nhà nước đóng vai trò quyết định. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn vào trách nhiệm quản lý của mình để có biện pháp phù hợp, hiệu quả hơn".

ĐB Trần Thanh Trí nói công tác thu góp rác có những kết quả nhất định nhưng thật sự chưa được tốt lắm. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là câu chuyện đáng bàn.

ĐB Trí kể một số loại rác lớn như chăn, ra, mềm, gối… tổ rác không thu gom vì cho rằng đây là không phải là rác sinh hoạt. Muốn họ thu gom thì phải đóng thêm phí. Tối đến, người dân kiếm chỗ nào vắng vắng, len lén đem đến đó đổ. “Ở quận 12 thì chuyện này là chuyện bình thường. Công an khu vực, tổ dân phố đi có gặp cũng chẳng làm gì cả, nhìn nhìn rồi đi thôi chứ biết phạt như thế nào” – ĐB Trí ngán ngẫm.

Theo ĐB Trí, chuyện này nói mấy nhiệm kỳ rồi nhưng vẫn không có lối ra. Chắc đến nhiệm kỳ X, XI chúng ta cũng lại tiếp tục nói vấn đề này thôi. Chúng ta cứ nói… nhưng đến 20 năm nữa xả rác vẫn là xả rác nếu chính quyền không có cách quản lý hiệu quả hơn. Ông đề nghị pháp luật phải được thực thi mạnh mẽ hơn, kỹ cương hơn. 

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhìn nhận: “Người công nhân vệ sinh với thu nhập, trang trải làm sao phải tương xứng với công sức người lao động. Đây là việc đáng suy nghĩ về công tác quản lý nhà nước. Rõ ràng hành vi xả rác là không đúng quy định”.

Bà Tâm cũng đặt vấn đề về công nghệ thu gom rác, giảm sức lao động trực tiếp. Tuy nhiên, cũng phải quan tâm đến thu nhập công nhân. “Công nghệ là một chuyện, còn phải tạo việc làm thu nhập cho công nhân. Công nhận họ sự đưa công nghệ  làm ảnh hưởng đời sống người công nhân… Đề nghị Sở GTVT, TN&MT TP quan tâm” - bà nói thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm