Ngày 10-7, kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM khóa IX tiến hành phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp sáu tháng cuối năm.
Nhiều đại biểu (ĐB) lo lắng các vấn đề dân sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân như kẹt xe, ngập nước, quy hoạch “treo”, lãng phí đất công...
Kẹt xe chưa có hồi kết ở cửa ngõ phía Tây
Bức xúc về tình trạng kẹt xe, ĐB Nguyễn Tấn Tuyến (huyện Bình Chánh) nói: “Ám ảnh của người dân ở TP.HCM chính là kẹt xe, ngập nước ở cửa ngõ về miền Tây, ở quốc lộ (QL) 1A. Chính quyền TP đã thấy điều này 6-7 năm trước. Những ngày bình thường, không mưa, không triều cường nhưng vẫn kẹt xe. Đặc biệt là đoạn QL1A từ đường Võ Văn Kiệt đến Nguyễn Văn Linh”.
Theo ông Tuyến, HĐND khóa trước đã ban hành nghị quyết phân bổ 180 tỉ đồng để lập dự án nâng cấp QL1A. Năm 2013, Sở GTVT TP đã giao Khu quản lý giao thông đô thị số 4 lập hồ sơ. “Nếu nỗ lực tích cực triển khai thì sẽ giảm được kẹt xe, ngập nước. Vào ngày mưa và triều cường thì không thể tưởng tượng nổi. Ngập, ùn xe khiến các nhánh rẽ xương cá cũng banh hết. Nếu cách đây sáu năm triển khai quyết liệt thì đã giảm được tình trạng này” - ông quả quyết.
ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) cũng phản ánh tuyến QL50 đi qua địa bàn huyện thường xuyên bị ngập, dù UBND TP đã có chỉ đạo nhưng giải quyết vẫn rất chậm. Bà Dung cho rằng để góp phần giảm ngập hiệu quả thì công tác nạo vét các tuyến sông, kênh rạch của TP nên phân cấp về cho quận, huyện nhiều hơn để địa phương chủ động kinh phí...
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận kẹt xe, ngập nước ở Bình Tân và Bình Chánh diễn biến xấu, đặc biệt trong bốn tháng đầu năm. Sở đã đi khảo sát khu vực trên và đưa ra giải pháp nhưng đây là các dự án lớn, trọng điểm liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thời gian tới, Sở sẽ làm việc với quận Bình Tân, huyện Bình Chánh để khắc phục.
Theo ông Hưng, dự án cải tạo mở rộng QL1 đoạn từ nút giao An Lạc đến giáp ranh Long An thuộc dự án đầu tư bổ sung cải tạo nâng cấp QL1 An Sương-An Lạc đang tạm dừng. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để sửa chữa, lắp các biển cảnh báo giao thông ở những đoạn đường hư hỏng, phối hợp xử lý khi ngập xảy ra.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên lề kỳ họp. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phải xóa quy hoạch “treo”
Quy hoạch, dự án “treo” chưa bao giờ hết nóng trong các kỳ họp HĐND TP. Ở kỳ họp này, ĐB Huỳnh Ngọc Nữ Kim Hồng cho hay: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân rất bức xúc về tình trạng quy hoạch rồi để đó mà không biết bao giờ thực hiện. “Quận 5 có một số tuyến nằm trong quy hoạch mở rộng đường dự phóng. Những tuyến này có quy hoạch hơn 10 năm nhưng vẫn chưa thực hiện” - bà Hồng nói.
Bà dẫn chứng: Nhà, đất của người dân đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Tri Phương (quận 5) nằm trong quy hoạch này nên giá trị thấp so với thị trường. Việc cầm cố, thế chấp dù đã được xem xét nhưng vẫn rất thiệt thòi cho dân. “Cử tri mong muốn nếu vẫn thực hiện thì phải đẩy nhanh tiến độ, còn không thì phải xóa quy hoạch để đảm bảo cuộc sống người dân” - bà nói.
ĐB Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cũng cho rằng cần đẩy mạnh giải quyết các chính sách cho người dân trong vùng quy hoạch. “Dự án nào chưa có quyết định thu hồi đất thì quyền lợi người dân vẫn phải được đảm bảo” - ông Hiếu nói và thông tin về việc giải quyết chính sách cho dân trong khu vực quy hoạch, TP cũng đã ban hành Quyết định 26/2017 của UBND TP cho phép được xây dựng tạm. Tuy nhiên, so với Quyết định 27/2014 trước đây thì quyền lợi của người dân bị hạn chế hơn nhiều.
Đề cập đến dự án xây dựng cầu Phước Lộc tại xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè), ĐB Trần Hải Yến cho rằng đã “treo” 10 năm nhưng vẫn chưa xong khâu bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc này gây bức xúc cho dân, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của địa phương.
Nhiều khu đất quốc phòng xây chưa đúng quy định
ĐB Lê Thị Kim Hồng (quận Tân Bình) cho rằng một trong những vấn đề người dân bức xúc nhất hiện nay chính là việc quản lý, sử dụng đất công. Bà Hồng cho biết trên địa bàn quận Tân Bình, nhiều khu đất công do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng nhưng chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật. Dẫn chứng cụ thể là tại khu đất ở phường 15, quận Tân Bình được xây dựng thành nhiều kiốt để kinh doanh khiến người dân rất bức xúc. Hay như khu đất tại phường 12 được xây dựng thành khu thương mại khá lớn nhưng chưa xây dựng đúng quy định. Từ đó, bà Hồng kiến nghị lãnh đạo TP.HCM cần làm việc với Bộ Quốc phòng để có cơ chế phối hợp quản lý hiệu quả và đúng quy định các khu đất quốc phòng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đất công do TP quản lý cũng còn lãng phí. Bà Hồng dẫn ra khu đất Giếng II ở gần khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có diện tích 9.000 m2, do Công ty Cấp nước Sài Gòn quản lý, sử dụng chưa hiệu quả trong khi quận Tân Bình cò rất thiếu đất để xây dựng trường học. “Toàn quận có dân số đông nhưng chỉ có ba trường cấp III. Do đó, đề nghị TP xem xét, thu hồi khu đất này để đầu tư xây thêm trường cấp III, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh” - bà Hồng nói.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế TP.HCM đạt và vượt Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, những tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội TP đạt được những kết quả tích cực. Nhiều nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt, bảy chương trình đột phá đã được triển khai, một số hạng mục đã phát huy hiệu quả... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục như tăng trưởng chưa đúng tiềm năng, chất lượng tăng trưởng thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh nhiều lĩnh vực có xu hướng giảm, việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của công dân còn chậm... • Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết tổng sản phẩm nội địa GRDP trên địa bàn ước đạt hơn 585.000 tỉ đồng, tăng 7,86% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó, TP cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kéo giảm phạm pháp hình sự, đẩy mạnh đấu tranh triệt phá các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng sử dụng vũ khí nóng, không để hình thành các băng, ổ nhóm tội phạm, các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự và tệ nạn xã hội. Chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp sang dịch vụ Tại phiên khai mạc, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thủ tướng vừa đồng ý cho TP.HCM chuyển 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ. Đây là nguồn lực rất lớn, tạo nguồn vốn cho TP.HCM phát triển. Giá trị ước tính sơ bộ là 1,5 triệu tỉ đồng nếu đem đấu giá. |