1. Ông đi lính ở chiến trường miền Đông năm 1972 nhưng không may đạp phải mìn nên mất đi đôi chân. Thời điểm đó, ông không thể tiếp tục chiến đấu nên trở về quê sinh sống. Đến giữa năm 1973, ông vào Biên Hòa đi bán báo dạo nuôi thân. Lúc đó, bà Lan cũng vào Biên Hòa để đi làm thuê, hai người vô tình gặp nhau.
Sau một thời gian tìm hiểu, ông ngỏ ý muốn cưới bà nhưng bị gia đình bà phản đối. Cha mẹ bà Lan sợ con gái mình không có được cuộc sống trọn vẹn khi lấy người thương binh. “Tui nói với cha mẹ rằng con lỡ thương người ta rồi, sướng thì con nhờ, khổ thì con chịu. Tui chỉ nghĩ mình quen người nguyên vẹn nhưng chưa chắc họ đã lo làm ăn như ổng, mình lấy ổng thì chắc chắn sẽ có hạnh phúc” - bà Lan tâm sự.
Ông và bà cưới nhau, rồi hai người cùng lên Tây Ninh để lập nghiệp. Những năm tháng đi làm kinh tế mới ở Tây Ninh, khó khăn chồng chất. Bà Lan là lao động chính trong gia đình. Thấy vợ vất vả, lam lũ cả ngày mà làm không được bao nhiêu, ông dẫn vợ quay lại Sài Gòn.
Trở lại Sài Gòn, ông bán vé số để mưu sinh. Bà đi làm thuê, lượm ve chai. Tằn tiện được bao nhiêu, hai ông bà mua một căn nhà nhỏ để ở. Sống với nhau hơn 40 năm nhưng hai ông bà không có với nhau mụn con nào.
Ông Năng luôn chăm sóc, lo lắng cho bà Lan từng chút một. Dù đã lớn tuổi, hai ông bà vẫn giữ thói quen gọi nhau là anh-em. Ảnh: THANH TUYỀN
2. Ba năm trước, bà Lan trải qua một cơn bạo bệnh khiến đôi mắt của bà trở nên mù. Ông Năng đưa bà đi điều trị ở nhiều bệnh viện nhưng không có khả năng hồi phục. Từ một người khỏe mạnh bỗng dưng mù lòa, bà Lan như rơi xuống vực sâu, không thiết sống. Người chồng là chỗ dựa duy nhất, động viên và thay bà làm mọi chuyện.
Từ ngày bà bị mù, một mình ông cáng đáng hết mọi việc trong nhà. Sáng, ông tranh thủ đạp xe đi bán vé số rồi ghé chợ mua đồ về nấu cơm cho bà ăn. Ông bưng cho bà ly nước, dọn dẹp sạch sẽ chỗ bà ngồi, đút cho bà từng muỗng cơm… Chiều đến, hai vợ chồng lại ngồi ở thềm nhà, tỉ tê đủ thứ chuyện.
Có lần bà hỏi ông rằng sống với nhau hơn 40 năm mà vẫn không sinh được cho ông một đứa con, nay bà lại còn mù lòa nữa, ông có buồn và chán bà không. “Bà cứ nói tầm bậy vậy tôi không thích nghe đâu. Sao lại chán chứ? Không có con thì hai vợ chồng mình sống với nhau, đói nghèo có nhau là được rồi” - ông Năng nói với bà.
“Người ta khỏe mạnh thì không sao, chồng mình hai chân bị cụt mà phải đạp xe đi giữa nắng mưa, xót lòng lắm. Có đợt hai dây gối bị sụt giữa đường, ổng xém bị xe cán nhưng may là chiếc xe thắng lại kịp. Ông kể tui nghe vầy, tui tưởng tượng ra cái cảnh đó mà càng thương ổng hơn…” - bà Lan quệt vội giọt nước mắt chực rơi.
Ông Năng bảo sự tin tưởng mà ngày xưa bà dành cho ông luôn là động lực để ông làm thật tốt trách nhiệm của một người chồng. “Hồi đó bả lo cho tui từng li từng tí, giờ bả không khỏe thì tui lo lại cho bả thôi. Dù nhiều lúc hơi mệt vì quá sức nhưng tôi nghĩ cứ thương nhau thì sống được hết” - ông Năng cười hiền.
Vài hạt mưa lác đác rơi xuống nền nhà, ông lại dìu bà ra ngồi ngắm mưa, kể chuyện thời chiến cho bà nghe. Chốc chốc bà lại bảo: “Anh kể từ từ, nói to thêm xíu nữa chứ tai em không nghe rõ được”...
Hiên nhà vẫn mưa, ông Năng vẫn tỉ tê kể chuyện, như trên đời này họ chỉ cần có nhau là đủ.