Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM vừa tiến hành khảo sát ngẫu nhiên trên 1.000 người cao tuổi (NCT) và hộ gia đình có NCT để tìm hiểu về cuộc sống của nhóm dân cư độ tuổi từ 60 đến 80.
Qua khảo sát cho thấy gần 85% NCT dựa vào sự chăm sóc của các thành viên trong gia đình. Trong đó, hơn 8% người già có mâu thuẫn với con cái vì không cùng quan điểm trong việc chăm sóc sức khỏe hoặc do con cái không quan tâm. Tuy nhiên, phần lớn người già không muốn vào viện dưỡng lão.
Đó là những thông tin được ThS Lê Văn Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trình bày trong hội thảo khoa học bàn về thực trạng và giải pháp chăm sóc NCT diễn ra chiều 5-9.
Cô đơn giữa phố thị ồn ào
Theo ThS Lê Văn Thành, khảo sát cho thấy hơn một nửa NCT mắc bệnh về hệ tuần hoàn và hệ xương khớp. Gần một nửa trong số đó được chăm sóc bởi con cái, rất ít người sử dụng dịch vụ thuê người chăm sóc.
TS Văn Thị Ngọc Lan (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) cho rằng con cháu chủ yếu chăm sóc NCT bằng kinh nghiệm học hỏi được qua tivi, sách báo hoặc lời dặn của bác sĩ. Vấn đề khó khăn khi chăm sóc NCT là họ thường trái tính, thích làm theo ý mình, dễ có tâm lý hoang mang, bất an. Khi con cái chăm sóc không đúng ý mình, họ thấy cô đơn và dễ tủi thân. “22,5% NCT cho rằng ý kiến của mình bị cho là cổ hủ, lạc hậu nên bị con cháu bác bỏ” - TS Ngọc Lan cho biết.
Có mặt tại hội thảo, ông PVN ở quận 1 đã chia sẻ: “Nhiều lúc tôi muốn chết đi cho rồi vì nói chuyện với con cái khó khăn quá. Người già hiện nay rất cô đơn. Đâu phải người giúp việc nào cũng hiểu chuyện để mình chia sẻ, tâm sự với họ”.
Chỉ khi gặp vấn đề về sức khỏe, NCT mới đến bệnh viện để điều trị. Hiện nay trong TP.HCM mới chỉ có vài bệnh viện có khoa lão. Con cháu vẫn là chỗ dựa gần như duy nhất khi chăm sóc người già. Một bác sĩ khoa Lão, BV Nguyễn Trãi cho rằng: “Người chăm sóc cho NCT đóng vai trò rất quan trọng nhưng thời nay ai cũng bận bịu sinh kế để kiếm tiền lo cho cha mẹ. Họ mướn người coi ngó giúp hoặc không dành đủ thời gian nên người lớn tuổi hay cô đơn, buồn tủi, mà điều này ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị”.
Các tình nguyện viên cắt tóc cho người già tại một mái ấm ở TP.HCM. Ảnh: HTD
Cần hướng tới mô hình “nhà dưỡng lão tại gia”
Theo ThS Lê Chu Giang (Sở LĐ-TB&XH), cho biết hiện nay đã có một số công ty tư nhân cung cấp dịch vụ tại gia đình và được người dân đón nhận. Tuy nhiên, các cơ sở y tế công lập chưa cung cấp dịch vụ này. Có giai đoạn TP xác định xu hướng chăm sóc ở gia đình là chủ yếu, có giai đoạn chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ chăm sóc NCT tại các cơ sở dưỡng lão. Định hướng sắp tới của TP.HCM là đẩy mạnh việc đưa dịch vụ chăm sóc về các gia đình, đảm bảo cho người già được chăm sóc tốt hơn về tâm lý và sức khỏe.
Ông Châu Minh Tỷ, Chủ tịch Hội NCT TP.HCM, cho rằng việc đưa các dịch vụ về gia đình sẽ dỡ bỏ được rào cản tâm lý trong nếp nghĩ của người Việt đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu và nó rất phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay.
ThS Lương Ngọc Thảo, Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng: “Hiện nay nhu cầu chăm sóc NCT đang có chiều hướng gia tăng vượt quá khả năng của gia đình trong khi dịch vụ chăm sóc công chưa được xác lập một cách tương ứng. TP cần quan tâm xây dựng hai mô hình, một cho NCT neo đơn và một cho NCT có gia đình”.
Bà Hisako Nakai, giảng viên Trường ĐH Nhân học Osaka (Nhật Bản), chia sẻ: “Tỉ lệ người già ở Nhật sống trong viện dưỡng lão khá cao nhưng phần lớn họ cũng không muốn sống trong viện dưỡng lão. Dù điều kiện xã hội rất khó để người già có điều kiện sống cùng con cái nhưng người già rất muốn sống ở nơi họ đã gắn bó thời gian dài, điều đó rất có ý nghĩa với họ. Các dịch vụ ở Nhật đang hướng đến điều này, chúng ta cần đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc dưỡng lão tại gia”.
• Chăm sóc NCT đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp và chuyên môn nhưng sự thiếu hụt trong đào tạo nguồn nhân lực cho việc cung cấp dịch vụ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hơn nữa, việc phát triển theo tính tự phát như hiện nay khiến cho NCT rất khó tiếp cận dịch vụ. TS LƯƠNG NGỌC THẢO, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM • Khi các bạn xây dựng chính sách, tôi rất mong các bạn giữ được các truyền thống tốt đẹp về quan hệ gia đình, để người già không trở nên cô đơn trong đời sống hiện đại. Bà SUMIRE KANDA, Trung tâm Hỗ trợ cộng đồng 453.992 người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đang sống tại TP.HCM, chiếm 5,4% so với tổng dân số. |