Cha mẹ tôi năm nay hơn 80 tuổi và hằng tháng ông bà được Nhà nước trợ cấp khoản tiền gọi là trợ cấp người già. Tuy nhiên, cha tôi phải về tỉnh Bình Dương sinh sống, còn mẹ tôi ở lại TP.HCM. Dù tuổi bằng nhau nhưng khi chuyển về Bình Dương cha tôi chỉ nhận được trợ cấp hằng tháng là 270.000 đồng/tháng, còn mẹ tôi ở lại nhận được 380.000 đồng/tháng. Tôi nghĩ việc trợ cấp người già là quy định chung trên toàn quốc sao hai địa phương lại có mức trợ cấp khác nhau. Vậy luật quy định vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)
Luật sư PHẠM MINH TÂM (Đoàn Luật sư TP.HCM) trả lời: Căn cứ Điều 5 Nghị định 136 của Chính phủ ngày 21-10-2013 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối tượng bảo trợ xã hội thì cha mẹ ông thuộc đối tượng được trợ cấp hằng tháng.
Tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định 136 này quy định thì mức hưởng trợ cấp của người cao tuổi hằng tháng là 270.000 đồng. Tuy nhiên, mỗi địa phương có thể trợ cấp cho người già từ mức chuẩn theo quy định trở lên, tùy thuộc điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương.
Đối với TP.HCM thì người già được hưởng theo Quyết định 13/2014 của UBND TP.HCM được quy định như sau, từ ngày 1-1-2013 đến 30-6-2013: Mức hưởng 350.000 đồng/người/tháng; Từ ngày 1-7-2013: Mức hưởng 380.000 đồng/người/tháng, thực hiện đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên.