Bác sĩ Yersin là ông Tư hay ông Năm?

Bác sĩ A. Yersin

Chương trình “Ai là triệu phú” phát sóng trên VTV3 tối 25-11 có câu hỏi “Người dân ở xóm Cồn, Nha Trang gọi nhà bác học Yersin với tên thân mặt là gì?”. Có 4 đáp án được đưa ra: A. Ông Năm; B. Ông Bảy; C. Ông Tư; D. ông Mười. Người chơi trả lời: Ông Bảy, MC Lại Văn Sâm công bố đáp án đúng là ông Năm!

Ngay sau khi chương trình phát sóng, một khán giả là người dân xóm Cồn (xóm Cồn hiện đã bị giải tỏa trong quá trình chỉnh trang đô thị, làm cầu Trần Phú bắc ngang cửa biển tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã lên tiếng trên Facebook rằng, người dân xóm Cồn gọi bác sĩ Yersin là ông Tư chứ không phải ông Năm.
Vị khán giả này cho biết: tuy xóm Cồn đã bị xóa sổ nhưng cái lầu ông Tư (tức cái nhà ông Tư – nhà của ông yersin) vẫn còn đó vì nó đã là nhà khách của Bộ nội vụ (nay là Bộ công an từ mấy chục năm nay). Vị khán giả này kể, ba của chị năm nay 84 tuổi hồi tóc còn để chỏm vẫn ngày ngày cùng chúng bạn đi học ngang qua lầu ông Tư, được ông Tư gọi vào cho ăn kẹo. Mỗi cuối tuần, đám trẻ xóm Cồn đều được ông Tư tụ tập lại để chiếu bóng (chiếu phim) cho xem. Theo chị, người dân xóm Cồn từ bao đời nay đều gọi bác sĩ Yersin là ông Tư chứ không có ai gọi là ông Năm cả!
Lục tìm những tư liệu về ông, chúng tôi bắt gặp thêm một thông tin từ người dân xóm Cồn khẳng định bác sĩ Yersin là ông Tư chứ không phải ông Năm. Tại bản tin “Kỷ niệm 70 năm ngày mất, 150 năm ngày sinh của Yersin” trên trang web Đài tiếng nói Việt Nam: plo.vn, một độc giả có ý kiến: “Tôi sinh năm 1968, là người dân từng sống ở Làng chài mà ngày xưa ông Yesin đã từng sống.
Lúc nhỏ, kể cả trước và sau giải phóng, tôi cùng lũ bạn hay lên Lầu ông Tư (là Lầu ông Yesin) chơi. Tôi nhớ không sai ai cũng bảo ông Yesin là ông Tư, nhưng không hiểu sao báo chí, truyền hình, kể cả sách viết về ông Tư ngày nay cứ gọi ông Tư là ông Năm. Có thể, ổng là Quan 5, nên người ta suy ra dân làng gọi là ông Năm, nhưng thực ra dân làng đã quen gọi ổng là ông Tư (chắc lúc ổng còn là Quan 4), cái kiểu gọi "chết tên"

Tôi viết những lời trên đây với mong muốn mọi người gọi ông Yesin là ông Tư như thực tế trước đây người dân vẫn quen gọi Ông. Và mặc dù nơi ông ở hiện nay là Nhà nghỉ (khách sạn) ngành công an nhưng mỗi khi đi ngang qua nơi này, chúng tôi cũng chỉ gọi nơi này là Lầu ông Tư!”.

 BCH Hội Ái mộ Yersin Nha Trang thăm nơi ở và làm việc của bác sĩ Yersin tại Hòn Bà. Người ngoài cùng bên phải là nhà thơ Giang Nam.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về thắc mắc này, nhà thơ Giang Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hội ái mộ Yersin Nha Trang cho biết: “Những bút tích mà ông Yersin ghi lại trong nhật ký đều thích thú cái tên mà người dân thường gọi ông là ông Năm. Nhiều người dân kể lại rằng, ngày ông xây ngôi nhà bốn tầng, màu trắng rất đẹp sát biển, trên sân thượng ông đặt kính thiên văn để báo thời tiết giúp ngư dân, lúc đó ông là Quan tư (do Toàn quyền Đông Dương phong). Rồi lúc ông nhận Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh của chính quyền Pháp, ông là Quan năm.…”.

Đạo diễn gạo cội Phạm Việt Tùng, hiện nghỉ hưu tại Nha Trang, từng thực hiện bộ phim tài liệu Trái tim ông Năm cũng khẳng định: “Nhà bác học Yersin được người dân Nha Trang gọi là ông Năm một cách rất thân thiện, cái tên ấy hiện đang in đậm trong lòng người dân và lưu giữ cả gần trăm năm qua trong Bảo tàng về ông tại Viện Passteur Nha Trang, không bàn cãi. Ngoài ra, rất nhiều bài báo khi viết về ông đều gọi ông là ông Năm ngoài cái tên Yersin của ông”.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cũng ghi nhận: “Yersin để lại nhiều ký ức sâu đậm tại Việt Nam, nơi người dân trong vùng gọi ông cách thân mật là Ông Năm, theo cấp bậc Đại tá quân y (quân hàm có năm vạch). Tuy nhiên, theo Patrick Deville, người dân Xóm Cồn gọi Yersin như thế là do "ông có cái lon năm vạch mạ vàng trên bộ đồng phục trắng" khi ông còn là bác sĩ phục vụ trên tàu”.
Bác sĩ Yersin được người dân xóm Cồn, TP Nha Trang gọi với cái tên thân mật là ông Tư hay ông Năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu để làm rõ thông tin. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, hình ảnh bác sĩ Yersin vẫn luôn in đậm trong trái tim những người dân từng sinh ra và lớn lên tại xóm Cồn, từng gắn bó với lầu ông Tư mà từ mấy chục năm trước, nó từng bị đập bỏ để xây dựng thành nhà nghỉ của Bộ công an bây giờ. 
 

Bác sĩ Alexandre – John – Emile Yersin sinh năm 1863 tại Thụy Sĩ, mất ngày 1/3/1943, tại thành phố Nha Trang. Năm 1883 ông vào học ngành y thuộc Viện hàn lâm Lausanne, học đại học tại Đức rồi sang Paris. Tại đây ông được gặp và làm việc tại Phòng thí nghiệm vi trùng với nhà khoa học Louis Pasteur.

Năm 1891, lần đầu tiên ông đến Nha Trang và đã chọn nơi đây để gắn bó cuộc đời. Ông là người đã phát hiện ra vi trùng dịch hạch, điều chế vaccine xin phòng, điều trị các bệnh dịch hạch, bạch cầu, tả.

Ông âm thầm cống hiến cả cuộc đời cho khoa học thế giới nói chung và cho ngành y tế dự phòng Việt Nam nói riêng: Ông đặt nền móng xây dựng Viện Pasteur Nha Trang và hệ thống các Viện Pasteur tại Đông Dương, đem lại hiệu quả vô cùng to lớn trong phòng chống dịch bệnh cho khu vực Đông dương và Châu Á, ông được suy tôn là “Cụ tổ” của ngành y tế dự phòng Việt Nam. 

Ông cũng là người đưa cây cao su, cây canh- ki-na, chà là… vào trồng tại Việt Nam và cả Đông Dương, đưa kính thiên văn về nghiên cứu và giúp thông báo thời tiết khí hậu cho người dân đi biển. 

Ngày 27 tháng 2 năm 1902, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer, người đặt viên đá đầu tiên xây dựng Trường thuốc Đông Dương tại Hà Nội (Đại học y Hà Nội ngày nay), cùng lúc bác sĩ A Yersin được cử làm Hiệu trưởng và khai giảng khóa học đầu tiên, tới nay trường đã 112 năm.

Ông cũng là người tìm ra Cao nguyên Lâm Viên, Lang Biang.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm