Sách "Tự trào - Đỉnh cao của hài hước" tái bản lần 2 có sửa đổi và bổ sung của tác giả Nguyễn Thiện vừa có mặt trên thị trường.
Sách có hàng trăm ví dụ về tự trào khiến người đọc bật cười thú vị. Dưới đây là lời giới thiệu của Nhà báo Nguyễn Đức Hiển về cuốn sách này.
Những câu chuyện trào phúng, hài hước, tự trào... thì chúng ta đã từng nghe nhiều. Tiếng cười ấy mang lại sự nhẹ nhõm, hạ nhiệt những căng thẳng, đem lại những phút giây thư giãn. Nhưng không dừng lại ở đó, tiếng cười có được từ tự trào còn mang lại sự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mỗi bên.
Người tự trào sẽ thấy bình tĩnh hơn trước những công kích, phê bình, châm biếm, thị phi...; người nghe tự trào cũng sẽ thấy mình đang "làm quá lên", đang làm căng thẳng một chuyện không đáng. Nó như một cái phanh ngăn chặn sự công kích, chê trách trước một điểm yếu, khiếm khuyết của người khác. "Chuyện đâu có gì lớn!" - mọi người thường sẽ nghĩ vậy về câu chuyện trước đó, sau tiếng cười tự trào.
Trong truyền thông xử lý khủng hoảng, hạ nhiệt tình trạng căng thẳng, bất lợi về truyền thông là điều tiên quyết, bất kể đó là khủng hoảng với cá nhân hay tổ chức, ở quy mô nhỏ hay lớn. Hạ nhiệt là tiền đề để thực hiện các bước xử lý khác.
Vì vậy, tác giả Nguyễn Thiện nói tự trào là đỉnh cao của hài hước, là có căn cứ thuyết phục, là chuyện rất nghiêm túc chứ không phải nói để.... tự trào.
Vì sao lại là đỉnh cao?
Vì khác với tiếng cười tình cờ chỉ để vui, khả năng tự trào chỉ có được ở người tự tin. Sự tự tin ấy được đúc kết từ trải nghiệm, từ kiến thức, từ việc tin vào giá trị bản thân để xem cái khiếm khuyết, sơ suất, căng thẳng của mình là chuyện nhỏ, chuyện không căn bản so với những giá trị bản thân mình đang có.
Người tự trào là người có sức mạnh nội lực. Năng khiếu hài hước và trí thông minh chỉ là một phần, phần quan trọng hơn tạo nên nội lực ấy là học hỏi, va chạm, trải nghiệm, thậm chí trả giá. Người trẻ có thể thông minh hài hước, nhưng tự trào một cách sâu sắc chỉ tự có ở người từng trải.
Như vậy người trẻ có tự trào được không? Người không có năng khiếu hài hước có thể tự trào không?
Hoàn toàn có thể!
Và đó là lý do ra đời của cuốn sách này!
Tự trào - Đỉnh cao của hài hước của tác giả Nguyễn Thiện là cuốn "giáo trình" đầu tiên tôi từng đọc về tự trào. Khác với sự hài hước, tác giả đã lao động nghiêm túc và khoa học để hướng dẫn người khác tự cười mình.
Nguyễn Thiện đã đúc kết các dạng thức tình huống, phương pháp tự trào và còn đưa ra các cảnh báo để người đọc không sai lầm, quá đà khiến việc tự trào trở nên vô duyên, kém hiệu quả hay gây hiệu ứng ngược. Anh thuyết phục người đọc rằng tiếng cười cũng cần học tập, rèn luyện và bạn có thể trở thành một người tự trào nếu bạn làm theo chỉ dẫn với một ý thức cao.
Bạn không cần quá vội vã hay gây áp lực cho bản thân như khi học về các kiến thức khác; cứ nhẹ nhàng nghiền ngẫm, điều chỉnh từ từ để có khả năng tự trào. Ngay cả khi bạn chưa có ngay khả năng tự trào như mong muốn, thì bạn cũng đã thay đổi dần bản thân trong quá trình đó: mạnh mẽ và tự tin hơn; yêu đời hơn và nhân ái hơn với mọi người và với chính mình. Cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn, có thêm nhiều năng lượng hơn để thực hiện những mục tiêu của mình.
Chính vì thế, đây là cuốn sách bạn có thể đọc một mạch trong ba giờ, nhưng cũng là cuốn sách nên để trên bàn và đọc đi đọc lại.
Tác giả đã thiết kế "giáo trình" này thành các mô-đun khá thú vị. Vì thế bạn có thể mở ra và đọc lại bất chợt từng chương mà không cần phân vân là lần trước đã đọc tới đâu rồi.
Chúng ta không đánh giá thấp các khó khăn, các tình huống oái oăm, bởi như thế sẽ không đưa ra được phương pháp xử lý đúng. Học cách tự trào không phải là xem nhẹ khó khăn, mà để đưa mỗi người về trạng thái bình tâm và giàu năng lượng nhất để đối diện một cách đúng đắn với đời sống này.
Cuốn sách thú vị và bổ ích cho mọi người, vì thế!