Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1975), NXB Trẻ đã phát hành bộ sách gồm 6 tác phẩm về Điện Biên Phủ với nhiều thể loại như tiểu thuyết, thư từ, bài viết, ghi chép lịch sử.
6 tác phẩm gồm Điện Biên Phủ - Hoa ban đỏ (Hữu Mai), Điện Biên Phủ - Thời gian và Không gian (Hữu Mai), Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ (Lưu Trọng Lân), Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm (Trần Thái Bình), Điện Biên Phủ - Những trang vàng lịch sử (Hoàng Minh Phương) và Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên (Nguyễn Huy Tưởng).
Điện Biên Phủ từ sách tới phim
Tác phẩm Hoa ban đỏ của nhà văn Hữu Mai là một trong những tác phẩm quen thuộc của độc giả Việt Nam.
Hoa ban đỏ vừa là bức tranh tái hiện Chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa là câu chuyện về những con người đã chiến đấu, yêu và hi sinh cho đất nước mình.
Cuốn sách cũng là kịch bản cho bộ phim cùng tên năm 1994 do Bạch Diệp làm đạo diễn.
Điện Biên Phủ trong ký ức người ở lại
Cũng viết về mảnh đất Điện Biên Phủ, tuy nhiên Điện Biên Phủ - Thời gian và Không gian của Hữu Mai lại mang đến một góc nhìn khác về mảnh đất lịch sử này.
Đó là câu chuyện độc đáo về Điện Biên Phủ thông qua lời kể của nhiều thế hệ.
Họ là những người trở về Điện Biên Phủ để thăm lại chiến trường xưa, giải tỏa những nỗi niềm quá khứ, và tìm lại những mối ân tình kỳ lại nơi mảnh đất họ tìm được sự sống trong cái chết.
Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm được viết bởi người chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ Trần Thái Bình.
Tác phẩm là tập hợp những tư liệu trực tiếp và gián tiếp, từ phía Việt Nam và nước ngoài, để độc giả thấy rõ hơn những ý nghĩa và bài học lịch sử từ sự kiện lịch sử này.
Từng là trợ lý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân đoàn 4, Trưởng khoa Lý luận chung - Viện Khoa học Quân sự bộ Quốc phòng đại tá Hoàng Minh Phương có nhiều tích luỹ kiến thức để chắp bút tác phẩm Điện Biên Phủ - Những trang vàng lịch sử.
Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ là tác phẩm của tác giả Lưu Trọng Lân.
Ông là một cán bộ quân sự của Trung đoàn pháo cao xạ 367 năm xưa đã trực tiếp tham gia chiến dịch từ đầu đến cuối.
Tác phẩm cũng đã vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết lời tựa.
Không chỉ là thời chiến, hình ảnh của Điện Biên Phủ thời kỳ xây dựng và phát triển cũng đã hiện lên qua Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên của Nguyễn Huy Tưởng.
Tác phẩm do con trai ông là Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn.
Nguyễn Huy Tưởng là người dẫn đoàn nhà văn đầu tiên lên Điện Biên Phủ kể từ sau ngày chiến sự, tham gia vào mọi công việc lao động thường nhật của các chiến sĩ xây dựng mảnh đất Tây Bắc lịch sử. Và tác phẩm được thai nghén trong giai đoạn này.
Điểm nhấn của tác phẩm này chính là những trang nhật ký và thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.