Ngày 8-1, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức lễ tổng kết hoạt động của Trung tâm năm 2024.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, năm 2024, thị trường biểu diễn nghệ thuật trong nước khá sôi động, đặc biệt với sự xuất hiện của các show diễn quốc tế dù quy mô chưa lớn.
Tuy vậy, số tiền bản quyền giảm hơn so với năm 2023. Theo ông Cẩn, nguyên nhân là do nhiều đơn vị tổ chức còn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh thực hiện nghĩa vụ.
Điển hình là các show diễn của Lululola tại Đà Lạt, Mây lang thang tại nhiều địa phương như Lâm Đồng, Nghệ An, Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM... Đáng chú ý, một số chương trình âm nhạc quốc tế như các sự kiện của Công ty TNHH TJ Communications và Công ty TNHH Âm nhạc IME đã không trả tiền bản quyền, buộc VCPMC phải khởi kiện.
Đồng thời, VCPMC cũng hợp tác với tổ chức bản quyền Hàn Quốc (KOMCA) để xử lý các trường hợp vi phạm, yêu cầu các đơn vị tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền.
Trong năm 2025, VCPMC sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, công tác quản lý nội bộ của trung tâm theo các quy định mới. Tập trung cho hoạt động cấp phép sử dụng âm nhạc, duy trì và tăng nguồn thu nhập từ tiền bản quyền cho tác giả thành viên. Tăng cường đối soát, xử lý dữ liệu để phân phối, chi trả tiền bản quyền đến các tác giả, chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, VCPMC sẽ tích cực hơn nữa trong rà soát, khảo sát thị trường sử dụng âm nhạc, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên. Chú trọng chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp và kiến nghị của các tác giả thành viên.
Cũng theo VCPMC, năm qua đơn vị này đã khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi kiện ra tòa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả, điển hình ở lĩnh vực sử dụng quyền biểu diễn, quyền sao chép.
Đến nay, bộ phận pháp chế hai miền đã thực hiện 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng. Hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết.
Ngoài ra, còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm. Trung tâm cũng thường xuyên phối hợp với tác giả rà soát, cảnh báo để thu, truy thu các trường hợp link/kênh vi phạm trên môi trường trực tuyến.
Theo báo cáo của VCPMC, trong năm 2024 trung tâm đã thu hơn 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023.
Trong đó, thu trên website, ứng dụng nhạc nhiều nhất, đạt trên 305 tỉ đồng; thu bản quyền từ các tổ chức tập thể quyền ở trên thế giới (CMO quốc tế) là hơn 16,9 tỉ đồng; thu từ sao chép demo, sao chép trực tuyến là hơn 16,4 tỉ đồng; thu từ biểu diễn, hòa nhạc đạt hơn 12,7 tỉ đồng; thu từ phát sóng là hơn 7,7 tỉ đồng...
Đặc biệt, VCPMC đã thực hiện bốn kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền hơn 256 tỉ đồng.