Có nhạc sĩ nhận hơn 1 tỉ đồng tiền bản quyền âm nhạc trong quý I-2024

(PLO)- Trong quý I năm 2024, có nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là hơn 1 tỉ đồng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thông tin trên được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đưa ra ngày 16-8.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho biết: "Năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỉ đồng. Số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.

Hiện nay, VCPMC đang khai thác và cấp phép gần 30 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại bao gồm các lĩnh vực sau: Online (Digital); Lĩnh vực phát sóng; Sao chép và Lĩnh vực offline.

bản quyền âm nhạc
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam. Ảnh: VT.

Riêng với lĩnh vực Digital, VCPMC đã và đang thực hiện cấp phép cho hầu hết các nền tảng âm nhạc bao gồm các ứng dụng, website, các mạng xã hội trong nước và quốc tế như: YouTube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify, Zing MP3, Nhaccuatui…

Kể từ năm 2019, VCPMC thu tiền bản quyền âm nhạc lĩnh vực Digital đối với các Website/App, nền tảng âm nhạc nêu trên chiếm khoảng 86% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực.

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng tiết lộ riêng trong quý I năm 2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là hơn 1 tỉ đồng; quý II của năm 2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là 852 triệu đồng.

Dù không cung cấp thông tin nhạc sĩ do yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân, tuy nhiên ông Cẩn cho hay những nhạc sĩ này đều là những nhạc sĩ rất nổi tiếng và có nhiều ca khúc đang gây sốt.

Nói thêm về cơ chế giám sát việc thu tiền bản quyền, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay VCPMC báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước và CISAC về thu tiền bản quyền, phân phối tiền bản quyền cho tác giả thành viên, đảm bảo công khai, minh bạch.

“Các tác giả khi ký hợp đồng với VCPMC thì thời hạn hợp đồng thường kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, tác giả có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ khi nào, chỉ cần thông báo trước 45 ngày, không có chế tài xử phạt và bồi thường; không phải ra toà để xử lý chấm dứt hợp đồng” - đại diện VCPMC cho biết.

Đại diện VCPMC cũng nêu thực tế, có một số ít đơn vị khác thường không cho phép tác giả đơn phương chấm dứt hợp đồng và đặt ra các điều khoản phạt hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu tác giả muốn chấm dứt hợp đồng.

Trong trường hợp tác giả muốn đơn phương chấm dứt, họ thường phải khởi kiện ra tòa. Có nhiều trường hợp, tác giả đã phải theo đuổi vụ kiện kéo dài hơn ba năm và trong thời gian này, tác phẩm sẽ không thể được khai thác, gây thiệt hại đáng kể cho tác giả.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6.400 tác giả trong nước và hơn năm triệu tác giả âm nhạc trên thế giới.

Theo báo cáo của CISAC năm 2023, từ năm 2019 đến năm 2022, VCPMC đứng thứ nhất trên thế giới về tốc độ tăng trưởng trong thị phần bản quyền âm nhạc trên nền tảng số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm