Ngày 18-4, giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá bậc nhất thế giới, nơi vinh danh nhiếp ảnh gia Nick Út với bức ảnh Em bé Napalm vào năm 1972, nay lại vinh danh một cái tên Việt khác. Lần này là Nguyễn Thanh Việt cùng tiểu thuyết Sympathizer (tạm dịch: Cảm tình viên).
Được người Mỹ so sánh với đại văn hào Franz Kafka
Cảm tình viên kể câu chuyện của một người mạnh mẽ, tin tưởng vào một điều, song cũng bị giằng xé bởi các quan điểm giữa các bên đối lập nhau. Đó là bi kịch của một con người. Tác phẩm được đánh giá mang tính bước ngoặt cho văn học về chiến tranh Việt Nam, sau ấn tượng của Nhật ký Đặng Thùy Trâm.
Với hơn 15 năm viết truyện ngắn, tác giả cho biết ông không thấy khó khăn lắm trong việc hoàn thành tiểu thuyết đầu tay. Tuy nhiên, trong suốt quá trình viết, ông luôn cố gắng tìm kiếm một câu văn mà “một khi được viết ra nó sẽ tự viết phần còn lại của câu chuyện”.
Sau hai năm ấp ủ, vào tháng 4-2015, 40 năm sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Cảm tình viên quyến rũ người đọc trên khắp nước Mỹ theo dõi gần 400 trang sách. 68% trong hơn 2.000 độc giả của Goodreads, một trang đánh giá sách uy tín được thành lập vào năm 2007, đánh giá 4/5 sao. Washington Post xếp Cảm tình viên vào hàng kinh điển mới. The New York Times so sánh lối viết của Nguyễn Thanh Việt với đại văn hào Franz Kafka. Lần lượt, hàng loạt cơ quan truyền thông khác như Wall Street Journal, Slate, Guardian, Library Journal,… đưa Cảm tình viên vào danh sách Những quyển sách hay nhất năm. Tác giả Nguyễn Thanh Việt được mời đến diễn thuyết và thảo luận sách tại ĐH Harvard, Thư viện Quốc hội Mỹ, sánh ngang cùng các tác giả lớn của thế giới như Orhan Pamuk, Khaled Hosseini,…
Trước khi đoạt giải Pulitzer 2016 ở hạng mục tiểu thuyết, Cảm tình viên đã giành chiến thắng giải Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc của Center for Fiction, Tiểu thuyết xuất sắc của Andrew Carnegie.
Trong tháng 4 này, tác giả cũng vừa cho ra mắt cuốn Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War do NXB ĐH Harvard phát hành sau 12 năm ông bỏ công nghiên cứu. Bên cạnh đó, tác giả cũng đang lên kế hoạch hai phần tiếp theo để hoàn thành bộ ba Cảm tình viên. Tuy vậy, ông đùa rằng: “Với lịch giảng dạy có thể dày lên trong hai năm tới” khó biết khi nào phần tiếp theo sẽ hoàn thành.
Nguyễn Thanh Việt, chủ nhân giải thưởng báo chí Pulitzer 2016 hạng mục tiểu thuyết. Ảnh: BEBE JACOBS
Không biết mình là người Việt hay người Mỹ
“Con người hai mặt” là cách Nguyễn Thanh Việt hài hước khi tự định danh bản thân. Được sinh ra trong cuộc chiến tranh Việt Nam, sau đó cùng gia đình sang Mỹ vào năm 1975, Nguyễn Thanh Việt và những người đồng trang lứa cảm nhận sâu sắc những vấn đề thời đại cũng như bối rối trước hình ảnh chiến tranh Việt Nam được Hollywood tái hiện.
Trong cuộc phỏng vấn với NPR, một trang tin tức có trụ sở tại Washington, tác giả đã mô tả những trải nghiệm của thế hệ ông trên đất Mỹ. Đó là khi ông định danh bản thân như một người Mỹ. Và như những người Mỹ khác, ông hâm mộ những binh sĩ như Rambo - nhân vật chính trong bộ phim First Blood do nam tài tử Sylvester Stallone thủ vai. Nhưng rồi, sau khi thưởng thức say mê những cảnh hành động trên màn ảnh, ông chợt nhận ra: “Gượm đã, mình có khác gì người Việt đang bị giết trên màn ảnh”. Hay như khi đi xem Platoon, khi những người Việt bị giết, cả rạp trở nên phấn khích, ông tự hỏi: “Mình biết định danh mình là ai bây giờ?”.
Đây cũng chính là động lực để ông quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu về cuộc chiến tranh đã kết thúc nhưng những dư âm vẫn còn, một cuộc chiến tranh như mọi cuộc chiến tranh khác. Trong cuộc phỏng vấn với Bloom, một trang văn học trực tuyến về các xuất bản đầu tay của tác giả trên 40 tuổi, tác giả chia sẻ: “Tôi nhận thức khá sớm về cuộc chiến tranh đã tạo nên con người tôi, mang tôi đến Mỹ, chia cắt gia đình tôi, gây tổn thương cho cộng đồng tị nạn người Việt. Vì thế tôi tò mò về nó, cũng như dành niềm đam mê cho những thứ liên quan đến quân sự. Và vì lẽ đó, tôi đọc vượt trên cấp học về cuộc chiến tranh này cũng như những cuộc chiến tranh khác”.
Nổi như cồn từ truyện ngắn
Tác giả Nguyễn Thanh Việt không phải là một nhà văn chuyên nghiệp. Trong hồ sơ cá nhân dài 25 trang của vị phó giáo sư thuộc khoa Dân tộc và Nghiên cứu Anh - Mỹ, ĐH Nam California này, dễ dàng nhận thấy hàng loạt sản phẩm học thuật như sách, chương sách, bài viết,… đã được công bố. Cũng từ hồ sơ này, có thể nhận thấy mối quan tâm của vị học giả U50 này là chiến tranh Việt Nam cũng như vấn đề tị nạn. Nhưng ngay từ lứa tuổi 20, tác giả cũng đã trình làng những truyện ngắn trên các tờ báo, tạp chí như Chicago Tribune, Best New American Voices, TriQuarterly và Narrative. “Ở ĐH, tôi đã nghĩ viết truyện ngắn sẽ dễ dàng hơn viết tiểu thuyết. Tôi quả thật là sai lầm. Thực tế là tôi mất đến 15 năm để hoàn thành bộ truyện ngắn của mình” - ông nói. Những truyện ngắn này đã chứng minh khả năng sáng tác của tác giả khi mang về 10 giải thưởng văn học báo chí. Đó là tiền đề cùng với sự hối thúc của người đại diện, để cuối cùng tác giả đã bắt tay vào chấp bút cho tiểu thuyết đầu tay - Cảm tình viên, với mong muốn viết một quyển tiểu thuyết vừa mang tính lịch sử mà tác giả định nghĩa bằng “chiến tranh, những gì dẫn đến chiến tranh và hệ quả sau đó”, vừa mang tính giải trí.