Thẩm định tác phẩm văn học

Đây là cây bút truyện ngắn có bản sắc, xuất hiện khá đều trên các tạp chí văn học miền Nam đầu những năm 1970. Từ sau 30-4-1975 đến nay, tức sau gần 38 năm, cây bút nữ này mới tái xuất hiện mà vẫn được giới thiệu trang trọng trên trang văn nghệ của một số báo, tạp chí. Dĩ nhiên chính là nhờ sự “khéo tay”sắp xếp của công ty làm sách có nghề, đã đầu tư kỹ lưỡng trong cả việc ấn loát khá đẹp lẫn PR có bài bản. Đó là chuyện bình thường trong kinh doanh - dẫu là kinh doanh văn hóa - trong cơ chế thị trường. Chuyện không bình thường là nhiều bài viết trên một số báo đã vô tình vì không biết rõ, hay cố ý vì được mớm sẵn, đã thổi phồng lên, dựng hẳn một “tượng đài” văn học cho nhà văn nữ này. Nào là “nhà văn nữ hàng đầu miền Nam trước 1975”, hay “một trong năm nhà văn nữ hàng đầu”… thì quá đà. Bởi đến thời điểm trước 30-4-1975, ở miền Nam đã có những nhà văn nữ tài năng thật sự và tên tuổi đã được khẳng định như Túy Hồng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Trùng Dương…, không có chiếu cho Trần Thị NgH.

Năm 1970 cả ba nhà văn vừa qua tuổi 30! Còn Nguyễn Thị Hoàng với hàng loạt tiểu thuyết giọng văn trau chuốt bóng bẩy, là một trong vài tác giả có sách bestseller bấy giờ. Và Trùng Dương là người trẻ nhất trong năm nhà văn nữ này, đã nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay Vừa đi vừa ngước nhìn (1966) năm chị vừa 22 tuổi! Còn có thể kể thêm cây bút nữ chuyên viết truyện tình rất ăn khách là Lệ Hằng - cũng còn khá trẻ nhưng được phong là “Bà hoàng phơi-ơ-tông” vì các nhật báo bấy giờ tranh giành nhau truyện viết từng kỳ của chị. Đó là không kể đến những nhà văn nữ thành danh lớp trước như Nguyễn Thị Vinh, Minh Quân…

Sau sự sàng lọc của thời gian, việc in lại tác phẩm của một số nhà văn miền Nam trước 1975, đặc biệt là những người định cư ở nước ngoài, dù khá chậm nhưng cũng là điều đáng mừng. Bởi những tác phẩm văn học hay âm nhạc có GIÁ TRỊ và NHÂN BẢN, nếu để mai một là điều vô cùng đáng tiếc. Chỉ trong phạm vi các nhà văn nữ trước 1975 ở miền Nam kể trên, trong hàng trăm tác phẩm của họ ít ra cũng có vài chục tác phẩm giá trị và nhân bản có thể in lại. Nhân đây có thể kể đến trường hợp nhạc sĩ Phạm Duy. Ông đã trở về hơn 10 năm nay, đang sống những ngày cuối đời trên quê hương, trong khi gia tài âm nhạc đồ sộ của ông vẫn đang được cấp phép phổ biến nhỏ giọt mỗi năm một ít. Thiết nghĩ, thay vì thẩm định rồi cho phép phổ biến từng tác phẩm - của Phạm Duy hay bất cứ văn nghệ sĩ nào - hãy thẩm định rồi ra quyết định danh mục những tác phẩm cấm phổ biến vì vi phạm gì gì đó hoặc không phù hợp trong tình hình hiện nay. Những tác phẩm khác không bị cấm sẽ được phổ biến theo đúng các quy phạm pháp luật, cũng giống như công dân được làm những gì pháp luật không cấm. Được như vậy, thế hệ trẻ hôm nay sẽ có thêm cơ hội mở rộng và nâng cao văn hóa đọc và văn hóa nghe, thay vì a dua, chạy theo đọc những tiểu thuyết ngôn tình sống sượng, trào lưu văn học thực dụng của các nhà văn trẻ Trung Quốc đang tràn ngập các quầy sách hiện nay, mà tác động phản giáo dục thì không lường trước được.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm