Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về tình trạng người dân bị lừa lần hai khi có một số trang mạng giả mạo cơ quan chức năng, thông báo cách thức lấy lại tiền đã bị lừa trước đó.
Cụ thể, một số đối tượng đã lập ra các trang fanpage giả mạo cơ quan chức năng, luật sư, chuyên gia an ninh mạng… để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền bị lừa đảo” nhưng thực chất là gài bẫy, tiếp tục dùng nhiều chiêu trò để lừa, lấy tiền của nạn nhân thêm lần nữa.
Nhờ dịch vụ để rồi mất tiền lần hai
Chỉ cần gõ cụm từ “lấy lại tiền bị lừa đảo” trên công cụ tìm kiếm của Facebook, hàng loạt hội nhóm xuất hiện với hàng ngàn thành viên tham gia. Tại đây, các đối tượng đăng quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo do chuyển khoản nhầm, chơi chứng khoán, chốt đơn trên các sàn thương mại điện tử…
Các nội dung mời chào tham gia dịch vụ rất đa dạng như: “Gọi cho em hỗ trợ lấy lại tiền bị mất trên sàn giao dịch, cam kết uy tín không mất phí”, “Bên mình chuyên xử lý các vấn đề tiền bị treo trên hệ thống online nhanh chóng, hiệu quả”... Thậm chí những đối tượng này còn cắt ghép video, hình ảnh của lực lượng công an, dùng AI giả giọng nhằm tăng giá trị quảng cáo dịch vụ lấy lại tiền, gắn logo của nhiều kênh truyền thông có uy tín.
Chị NTA (38 tuổi, ngụ Long An) cho biết từng liên hệ với một trang Facebook giả mạo luật sư để nhờ lấy lại tiền bị lừa, vì trước đây chị bị mất 58 triệu đồng khi tham gia hoạt động kinh doanh, giao dịch mua bán tiền ảo, tiền mã hóa trên mạng.
“Sau khi liên hệ với trang Facebook này, có người xưng là luật sư, yêu cầu tôi cung cấp một số thông tin. Sau đó, người này thông báo tôi phải đóng 5 triệu đồng để trả tiền cho chuyên viên phụ trách xử lý và hứa hẹn lấy lại tiền đã mất trong ba ngày. Vì tâm lý muốn lấy lại tiền đã mất nên tôi nhẹ dạ cả tin, chuyển ngay tiền theo yêu cầu. Ngay sau đó, người này đã chặn mọi liên lạc với tôi” - chị A kể.
Tương tự, dưới một bài viết trong nhóm “Phòng chống lừa đảo” trên mạng, nói về việc kẻ xấu giả mạo luật sư, thông báo có dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo… cũng nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc. Phần lớn phản hồi nhận họ từng là nạn nhân và bị “lừa chồng lừa” bởi dịch vụ lấy lại tiền bị lừa đảo.
Trong vai nạn nhân bị mất tiền vì tham gia đầu tư tài chính trên mạng, PV liên hệ với fanpage có tên “Đại học Cảnh sát Nhân dân” với nội dung quảng cáo: “Hướng dẫn người dân các bước trình báo và nhận lại số tiền bị lừa đảo”, “nhắn tin cho chúng tôi để được hỗ trợ nhận lại số tiền bị chiếm đoạt”...
Khi PV hỏi về cách lấy lại tiền bị lừa đảo, người của trang fanpage này yêu cầu cung cấp chính xác họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, đồng thời trình báo nội dung sự việc. PV tiếp tục hỏi thêm về cách thức nào để nhận được tiền, địa chỉ ở đâu… thì người này không trả lời, chặn tài khoản liên lạc.
Đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Trao đổi với PV, luật sư Đào Thị Bích Liên, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết gần đây xuất hiện nhiều trang mạng xã hội giả mạo cơ quan chức năng, chuyên gia an ninh mạng, luật sư… đăng dịch vụ lấy lại tiền cho nạn nhân bị mất tiền do lừa đảo chơi chứng khoán, tiền điện tử… Hành vi chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng dạng này ngày càng thực hiện công khai với nhiều chiêu trò tinh vi.
Theo đó, các đối tượng này lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị hại với phương thức, thủ đoạn tinh vi. Cụ thể như lợi dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân như luật sư, công an… để tạo lòng tin với bị hại. Sau khi nạn nhân tin tưởng, sẽ có một đội ngũ thực hiện các công việc từ tiếp nhận thông tin cho đến trấn an tâm lý bị hại. Sau đó, các đối tượng dùng chiêu trò từ đe dọa đến hứa hẹn lấy lại tiền cho các nạn nhân một cách dễ dàng mà không mất công sức đi lại. Có trường hợp những đối tượng này còn yêu cầu được nạn nhân ủy quyền để đứng ra đòi lại khoản tiền bị lừa trước đó.
Bên cạnh đó, để tạo lòng tin cho các nạn nhân, những đối tượng lừa đảo còn đưa ra các hình ảnh chứng minh đã giải quyết lấy lại tiền cho các nạn nhân khác.
Mục đích của các đối tượng này nhằm tiếp cận những nạn nhân đang bị lừa đảo, lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ. Các đối tượng này thường lập tài khoản giả mạo, tạo ra số lượt tương tác ảo lớn nhằm tạo niềm tin cho nạn nhân.
Cũng theo luật sư Liên, đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức này là những người ít tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là tâm lý e ngại, không dám công khai việc mình bị lừa, sợ người thân biết.
“Người dân cần lưu ý các cơ quan như công an, VKS… khi làm việc với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ của người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội” - luật sư Liên nhấn mạnh.
Không chuyển tiền cho đối tượng lạ trên mạng xã hội
Người dân cần cảnh giác trước các thông tin được quảng cáo trên mạng xã hội, đặc biệt là các nạn nhân từng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Không nên liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “thu hồi tiền bị lừa đảo”, “thu hồi tiền treo”…
Người dân không nghe theo, không chuyển tiền cho các đối tượng lạ trên mạng xã hội. Khi thấy fanpage, trang cá nhân giả mạo luật sư, người dân cần kiểm chứng thông tin hoặc liên hệ trực tiếp đến các công ty luật, văn phòng luật sư có uy tín để được tư vấn, giải đáp thắc mắc.
Bên cạnh đó, khi phát hiện, nghi ngờ các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền để có các biện pháp nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng trên.
Luật sư TRẦN MINH HÙNG, Đoàn Luật sư TP.HCM