Những ngày qua, câu chuyện một phụ huynh có bài đăng trên Facebook phản ánh việc con gái đang học lớp 11 trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) được cô giáo phát cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (tác giả Ocean Vương) và cho rằng tác phẩm này có "ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm", do đó không phù hợp cho học sinh.
Vụ việc nhanh chóng thu hút sự quan tâm của nhiều người, được chia sẻ trên các diễn đàn và trở thành chủ đề bàn luận với nhiều ý kiến trái chiều.
PLO xin giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền xung quanh vấn đề này:
Thú thật, ban đầu thấy chia sẻ này của phụ huynh trong các đội nhóm, tôi nghĩ sự việc cũng nhỏ vì tiểu thuyết này thực sự được giáo viên các chương trình quốc tế đưa vào trong chương trình học những năm cuối phổ thông, nên có lẽ chỉ cần nhà trường và giáo viên đưa ra lời giải thích thỏa đáng là khép lại sự việc.
Có đâu ngờ, dư luận lẫn các cơ quan quản lý giáo dục đều đặc biệt quan tâm. Các bạn bè, đồng nghiệp tôi có những ý kiến, quan điểm trái chiều.
Tôi khẳng định rằng mình không thấy khó chịu chút nào với các ý kiến trái chiều, thậm chí khác hẳn quan điểm của tôi. Diễn biến sự việc cho tôi nhiều bài học sâu sắc về con đường làm giáo dục.
Bài học lớn nhất
là sự gắn bó của giáo dục và văn hóa. Giáo dục bản thân cũng là văn hóa, là con đường bảo tồn, tạo dựng các giá trị văn hóa cho xã hội. Giáo dục cũng bị chi phối bởi các giá trị văn hóa sẵn có.
Thấu hiểu điều này sẽ không thấy ngạc nhiên với cảm xúc giận dữ, phẫn nộ của vị phụ huynh khi đọc được các trang sách mô tả những cảm xúc rất trần trụi khi quan hệ tình dục của cậu trai trẻ, mà hoạt động quan hệ đó lại còn giữa hai người đồng tính.
Chuyện tình dục vốn riêng tư, mang ra miêu tả công khai vốn không là điều dễ chấp nhận trong văn hóa Á Đông nói chung, rồi xem đồng tính là một xu hướng tính dục bình thường, không phải biểu hiện của "bệnh hoạn" thì cũng không phải ai cũng đang thực sự nghĩ như thế ở Việt Nam dù chuyện này những năm qua đã cởi mở hơn rất nhiều.
Bởi vậy, chỉ trích cảm xúc rất thực của vị phụ huynh kia cũng không nên. Tôi chỉ không đồng tình với cách chị xử lý vấn đề cảm xúc ấy, cụ thể là thay vì đối thoại với nhà trường thì mang lên mạng xã hội và nói khá ngắn gọn về bối cảnh sự việc. Còn lại cảm xúc lo lắng, giận dữ của vị phụ huynh thì tôi hoàn toàn tôn trọng.
Thấu hiểu điều trên thì cũng sẽ thấu hiểu cho phản ứng phản đối với việc đưa tác phẩm này vào dạy cho học sinh phổ thông của nhiều giáo viên, ban giám hiệu các trường học Việt Nam hoặc cơ quan quản lý giáo dục nhà nước.
Giáo dục Việt Nam cung cấp chương trình giáo dục phải phù hợp với các giá trị văn hóa phổ quát. Một tác phẩm có rủi ro dẫn đến nhiều suy luận không phù hợp và xung đột về văn hóa thì phải đưa vào danh mục cần lưu ý và khuyến cáo cẩn trọng khi giảng dạy cho học sinh.
Tôi chỉ không đồng ý việc cấm tuyệt đối Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (cũng như các tác phẩm tương tự) trong tất cả các trường học. Vì tại các trường quốc tế, nơi mà học sinh có cách tiếp cận học tập (approaches to learning) khác biệt, giáo viên được đào tạo chuyên môn sâu để đủ năng lực chuyển tải những thông điệp phù hợp.
Nói khác hơn, tôi không đồng ý việc phê bình giáo viên khi chúng ta chưa biết rõ giáo viên đã triển khai tiến trình dạy học với tác phẩm này cho học sinh như thế nào. Không đồng ý nhưng không có nghĩa tôi thấy khó chịu với các phản ứng trên.
Mỗi người, mỗi tổ chức có những vai trò khác nhau và đều cần phải làm tốt vai trò được quy định của mình.
Bài học thứ hai,
Là quyền được lựa chọn và sự tôn trọng tôn giáo, văn hóa, niềm tin cá nhân/gia đình/chủng tộc khi triển khai các chủ đề giáo dục dễ xung đột. Bài học này nối với bài học số một.
Ví dụ, về vấn đề giáo dục giới tính và tình dục tại nước Anh, ở bậc trung học cơ sở, tất cả các trường phải cung cấp môn giáo dục các mối quan hệ và giới tính, tình dục (Relationships and Sex Education) nhưng quy định nêu rõ "Cha mẹ có thể yêu cầu con mình rút khỏi một phần hoặc toàn bộ chương trình giáo dục giới tính được dạy như một phần của môn các mối quan hệ và giáo dục giới tính. Cha mẹ không thể rút con mình khỏi giáo dục giới tính được dạy trong môn khoa học".
Đọc hết hướng dẫn về phần này thì chặt chẽ lắm, kể cả hướng dẫn cho nhà trường quy trình làm việc với phụ huynh. Hồi tôi còn ở Anh, đã chứng kiến thực hành này của các trường, đó là trao đổi với phụ huynh về các nội dung giáo dục giới tính và có hỏi ý kiến của phụ huynh. Sau 16 tuổi, học sinh có quyền tự quyết là học hay không học, không phải hỏi phụ huynh nữa.
Về vấn đề LGBT (tên viết tắt của cộng đồng những người đồng tính luyến ái nữ, luyến ái nam...), quy định cũng viết: "Tại thời điểm mà các trường cho rằng việc dạy học sinh là phù hợp về LGBT, họ nên đảm bảo rằng nội dung này được tích hợp đầy đủ vào chương trình học tập cho lĩnh vực này của chương trình giảng dạy thay vì được giảng dạy như một đơn vị hoặc bài học độc lập".
Nói tóm lại, với vấn đề giáo dục giới tính và tình dục thì ít nhất ở Anh được tiến hành cởi mở nhưng vẫn thận trọng, kỹ lưỡng. Các quan điểm, niềm tin khác biệt đều được tôn trọng.
Có lẽ, qua sự việc lần này, các trường học cũng cần có hướng dẫn để giáo viên khi thực hiện các chuyên đề giáo dục giới tính và tình dục tách rời khỏi môn Khoa học tự nhiên ở trường phổ thông, nên hỏi ý kiến phụ huynh, học sinh và cho họ có quyền lựa chọn.
Bài học thứ ba,
Truyền thông giữa gia đình và nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
Cũng lấy lại ví dụ minh hoạ chuyện giáo dục giới tính và tình dục ở Anh. Không phải phụ huynh đề nghị rút là hiệu trưởng cho rút ngay, mà quy định có hướng dẫn cách các ban giám hiệu giải thích cho phụ huynh về tầm quan trọng của các chủ đề, cách giáo viên sẽ tiếp cận, truyền đạt... Chừng nào phụ huynh vẫn cương quyết thì mới đồng ý trong mẫu được lưu giữ lại, phòng sau này, phụ huynh lại kiện là nhà trường không dạy.
Do đó, trong câu chuyện lần này, có lẽ sự truyền thông kỹ lưỡng từ giáo viên đến phụ huynh về chương trình học, cách giáo viên đã cùng đồng hành phân tích với học sinh về tác phẩm, các phần nào cần tập trung, các khuyến cáo về các chi tiết bạo lực, tình dục, ma tuý... thì có lẽ phụ huynh sẽ không phản ứng thái quá như vậy, dù họ vẫn có thể không đồng tình cho con đọc tác phẩm này.
Mỗi người có lăng kính riêng khi quan sát các sự việc diễn ra quanh mình, vì vậy, không đồng tình với nhau không đồng nghĩa ai xấu, ai tốt, ai văn minh hơn, ai bảo thủ hơn... Người lớn cũng nên thể hiện thái độ tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của nhau thì mới dạy điều này cho trẻ được, phải không mọi người?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, chuyên gia giáo dục phổ thông
Nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm TP.HCM
Nguyên Phó hiệu trưởng trường quốc tế Việt nam – Phần Lan
Nguyên Hiệu trưởng chương trình Song ngữ Trường Quốc tế Canada
TS. Nguyễn Thị Thu Huyền nhận bằng cử nhân Tâm lý Giáo dục tại Việt Nam trước khi sang Anh học Thạc sĩ và Tiến sĩ Giáo dục học tại Đại học Durham và Đại học East Anglia.