Vừa qua, vụ việc một nhóm thanh thiếu niên phóng xe máy với tốc độ cao, lạng lách,…ở Hà Nội gây tai nạn giao thông khiến một phụ nữ đi xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tử vong tại chỗ, gây bức xúc dư luận.
Có thể nói tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu,… của các thanh thiếu niên là vấn đề nhức nhối của xã hội. Đối với người đi đường, đó là nỗi sợ hãi, ám ảnh. Đối với cơ quan quản lý hành chính về trật tự xã hội, đó là hành vi cần phải xử lý kịp thời, triệt để nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như trường hợp vừa rồi.
Không ít lần khi đang chạy xe máy trở về nhà sau ca trực đêm, tôi rùng mình, sợ hãi vì nghe tiếng hò hét, nẹt ga ầm ĩ từ phía sau. Tôi chỉ biết tấp thật nhanh vô lề. Chỉ vài giây là một nhóm “quái xế” đã phóng lên bỏ lại tôi phía sau. Đoàn xe đi rồi, tôi thấy mình may mắn vì vẫn được bình an trở về. Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm vì hành vi phóng nhanh, vượt ẩu,…
Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng. Song song đó pháp luật cũng có quy định xử phạt về các hành vi này. Tuy nhiên, thực tế có vẻ cơ quan chức năng vẫn còn “nhẹ tay” với các hành vi nêu trên. Theo tôi tìm hiểu thì đa số các vụ đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng,… không gây ra hậu quả thì dường như ít bị xử phạt hoặc chỉ bị phạt hành chính là xong. Chính những cách xử phạt không đủ răn đe khiến người vi phạm không sợ, đặc biệt là giới trẻ.
Để hạn chế những hậu quả đáng tiếc từ những vụ đua xe trái phép, tổ chức lạng lách, đánh võng,…theo tôi nhà nước nên xử lý “mạnh tay” hơn.
Nên chăng tăng mức phạt tiền, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi tụ tập, tổ chức đua xe trái phép cho dù hành vi chưa gây ra hậu quả về người, tải sản. Đối với hành vi gây ra hậu quả nghiêm trọng như chết người thì cần tăng mức xử lý hình sự.
Về phía gia đình, nhà trường cần nhắc nhở con em mình ý thức tuân thủ luật an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Cha mẹ tuyệt đối không giao xe cho con khi con chưa đủ tuổi chạy xe, chưa có giấy phép lái xe.
Khi pháp luật đủ nghiêm, đủ tính răn đe, mọi người ý thức được việc tuân thủ pháp luật thì xã hội sẽ bớt tệ nạn xã hội. Khi đó, những hành vi tụ tập, lạng lách, đua xe trái phép sẽ không còn là nỗi lo của người đi đường.
Lược trích Điều 266, Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội đua xe trái phép:
1. Người nào đua trái phép xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
- Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;...