Những ngày vừa qua, một phụ huynh có bài đăng trên mạng xã hội (MXH) phản ánh việc con gái đang học lớp 11 được giao đọc tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian và cho rằng tác phẩm này có "ngôn từ đồi truỵ, nhớp nhúa, nội dung khiêu dâm", do đó không phù hợp cho học sinh đã nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng.
PLO đã có buổi trò chuyện với TS Phạm Thị Thúy, chuyên viên tham vấn tâm lý (hiện đang công tác tại Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM) xoay quanh vấn đề đang được quan tâm.
. Phóng viên: Từ câu chuyện giáo viên đưa tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian vào môi trường học cho học sinh lớp 11 gây nên tranh cãi, là một chuyên viên cứu tâm lý chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
+ TS Phạm Thị Thuý: Với cá nhân tôi, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một tác phẩm hay. Nhận xét này không phải dựa trên đánh giá của Hội đồng sách, mà bởi tôi đã đọc tác phẩm nay vào năm 2023 và thấy sách hay, có nhiều thông điệp nhân văn, tôi đã xúc động sau khi đọc xong và khá thích tác phẩm này.
Nhưng có một số trang trong tác phẩm này được phụ huynh phản hồi không đồng tình thì không phải là vô lý, vì nó không phù hợp với văn hoá, rằng chuyện tình dục không nên viết một cách mô tả thực như vậy, nhất là sách cho học sinh đọc. Điều đó khiến nhiều người mặc định nó giống như sách 18+, sẽ gây ra phản cảm với cộng đồng.
Vì vậy giáo viên cần phải xem xét kỹ nên giới thiệu sách này cho các học sinh như thế nào, hướng dẫn đọc và định hướng nội dung đem đến cho người đọc là gì? Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào tác phẩm, vài trang sách để phán xét thì khá… oan cho tác phẩm.
"Cá nhân tôi cho rằng tác phẩm này hoàn toàn có thể đưa vào danh mục sách đọc cho học sinh trung học phổ thông nếu có hướng dẫn từ giáo viên và các em cần có chương trình giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục trước đó"- TS Phạm Thị Thúy, Chuyên viên tham vấn tâm lý
. Vai trò của giáo viên trong việc giúp học sinh tiếp cận sách một cách phù hợp hơn là vấn đề cấp thiết hiện nay?
+ Đây là một vấn đề rất cấp thiết. Thứ nhất chúng ta vừa mới qua Ngày sách và văn hoá đọc, chúng ta quá cần lan toả văn hoá đọc, nhất là cho các bạn học sinh. Riêng với việc giáo viên đưa tác phẩm từ bên ngoài giới thiệu cho các em học sinh đọc là một hành động đáng khuyến khích.
Giáo viên khám phá những tác phẩm hay đưa vào cho học sinh tham khảo thì đó là một biện pháp tốt, khích lệ văn hoá đọc, giúp cho người học mở mang thêm tri thức, sự hiểu biết, cho nên đây là một điều nên làm. Tuy nhiên khi giới thiệu đến học sinh, giáo viên phải đọc kỹ để xem là có vấn đề gì cần cân nhắc thêm phạm vi ảnh hưởng.
Nếu một người giáo viên quan tâm đến văn hoá của người Việt Nam thì sẽ rất thận trọng khi đem tác phẩm Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian vào chương trình học. Thực tế trong văn hóa của số đông người Việt vấn đề tình dục, LGBT, tình dục giữa những người LGBT còn nhiều định kiến.
Trước hết giáo viên cần xem là các em được giáo dục giới tính đầy đủ chưa; các em nghĩ như thế nào về tình dục, về LGBT? Nếu trước khi đọc tác phẩm các em chưa được định hướng rõ ràng về tình yêu tình dục trong các chương trình giáo dục về giới tính thì tôi nghĩ rằng hơi vội vàng.
Đồng thời, cần phải xem chương trình dạy văn của chúng ta có đồng bộ với chương trình khác của trường hay không. Cụ thể ở đây là chương trình giáo dục giới tính của nhà trường.
Khi giáo viên đưa các tác phẩm văn học vào cho học sinh đọc, nhà trường cũng nên có một bộ phận chuyên môn như tổ bộ môn để thẩm định tác phẩm đó và chọn ra danh mục các tác phẩm phù hợp hữu ích để giới thiệu đến cho học sinh chứ không nên để giáo viên đem vào một cách tự phát.
Bên cạnh đó, khi đem một tác phẩm đến cho học sinh thì phải có định hướng đọc, phải giải thích và chỉ ra cái hay cái đẹp của tác phẩm đó đã được đánh giá ra sao, nhằm gợi mở và định hướng cũng như cho các em cơ hội để chia sẻ, thuyết trình về tác phẩm đó theo cách hiểu của mình….
Cá nhân tôi cho rằng tác phẩm này hoàn toàn có thể đưa vào danh mục sách đọc cho học sinh trung học phổ thông nếu có hướng dẫn từ giáo viên và các em cần có chương trình giáo dục giới tính, tình yêu, tình dục trước đó.
. Phụ huynh bức xúc cho rằng tác phẩm không phù hợp nhưng nhiều người lại cho rằng điều quan trọng hơn là đồng hành, hướng dẫn phân tích cho con. Chị nghĩ như thế nào về điều này?
+ Tôi cho rằng vai trò của phụ huynh nên đồng hành phối hợp cùng nhà trường, giáo viên để dạy cho con mình. Nếu trước một sự việc mà đã tiếp cận vấn đề theo hướng chống đối, phê phán tiêu cực thì họ sẽ có những phản ứng tiêu cực.
Cho nên phụ huynh cần tin tưởng nhà trường, giáo viên và mình phải là người lùi lại để xem cuốn sách này có đúng là có vấn đề với con mình không? Nếu đánh giá hãy đánh giá khách quan, trao đổi với con, tìm hiểu con mình đọc sách đó như thế nào, nó nghĩ gì về nội dung của những trang sách đó hoặc con mình được giáo viên hướng dẫn và giao nhiệm vụ gì trong việc đọc tác phẩm này, tức phụ huynh cần tìm hiểu kỹ vấn đề đã rồi mới lên tiếng.
Theo quan sát của tôi qua công việc tham vấn và trò chuyện với học sinh của nhiều trường, học trò ở thế hệ bây giờ các em đọc và hiểu biết sớm các vấn đề tình dục, LGBT...hơn chúng ta ngày trước, quan điểm của các em về các chủ đề này cũng đa chiều hơn, cởi mở hơn các thế hệ cha mẹ ông bà. Vì vậy xin cha mẹ đừng lấy lăng kính của bố mẹ cách đây 20 năm mà áp đặt vào lăng kính của các con bây giờ...
Đọc những bức xúc của phụ huynh thì tôi tôn trọng cảm xúc của họ, tôi cũng là một người mẹ nên hiểu ba mẹ muốn bảo vệ con mình. Nhưng có lẽ phản hồi của họ lại dựa trên cảm xúc chủ quan và định kiến cá nhân về những trang sách đó.
Thậm chí có ý kiến lo ngại phụ huynh này đã đọc hết tác phẩm chưa, nếu đọc hết tác phẩm có lẽ họ sẽ không bức xúc nhiều đến như vậy. Tất nhiên phụ huynh có quyền hình thành quan điểm riêng liên quan đến tác phẩm này, họ có quyền phản đối việc giáo viên đưa tác phẩm này cho con họ đọc nhưng cần dựa trên tinh thần trao đổi thẳng thắn với giáo viên, với nhà trường khi đã tìm hiểu kỹ tác phẩm, tác giả và cách giáo viên hướng dẫn học sinh đọc.
. Vậy chị có nghĩ tôn trọng quyền đọc của con là vấn đề cần được quan tâm và cân nhắc?
+ Tôn trọng quyền đọc của con là điều nên làm và mỗi đứa trẻ sẽ có nhu cầu và sở thích đọc khác nhau. Chúng ta có thể định hướng, giới thiệu những quyển sách hay nhưng con đọc gì là quyền lựa chọn của con, nhất là khi con trên 16 tuổi.
Chúng ta hãy dạy con cách đọc từ bé để khi lớn lên các con có thói quen tốt hình thành văn hóa đọc, biết cách chọn sách, thưởng thức sách, học hỏi và vận dụng tri thức từ sách vào cuộc sống… chứ không phải lớn lên mình ép con đọc sách này, không cho đọc sách kia.
Do đó, tôn trọng quyền đọc của con là điều ba mẹ cần cân nhắc và ý thức được. Muốn làm được như vậy, muốn có hiệu quả tích cực thì phải định hướng về văn hoá đọc từ bé cho các con.
. Có một vấn đề cũng rất được quan tâm, rằng dù với mục đích nào thì việc đưa vấn đề của con ở trường lớp trên MXH đã trở thành con dao hai lưỡi. Chị suy nghĩ gì về vấn đề này?
+ Nếu cha mẹ đưa chuyện của con lên MXH mà không giữ gìn sự bảo mật, tính riêng tư trong vấn đề của con thì rất nguy hiểm.
Có thể lúc đầu, phụ huynh chỉ nghĩ mình phát biểu một cách bức xúc lên MXH của cá nhân mình nhưng bây giờ nó đã trở thành của cả xã hội. Ai cũng biết vấn đề đó sẽ ảnh hưởng đến uy tín của trường, giáo viên đặc biệt là tâm lý của con mình… Có lẽ phụ huynh này cũng không lường trước được chuyện lại lớn đến như vậy, đấy là sự nguy hiểm cho con của chúng ta.
Do đó phụ huynh phải có một bước lùi, tìm hiểu lắng nghe nhiều bên, và cần nghĩ đến hậu quả lâu dài, sự tác động đến con mình để cân nhắc kỹ cách lên tiếng để bảo vệ con.
Tôi mong sẽ không có ai đưa thông tin riêng tư liên quan đến nhà trường, phụ huynh, hay em học sinh trong câu chuyện này lên truyền thông nữa để đảm bảo tính riêng tư cũng an toàn cho trẻ.
. Xin cảm ơn chị!