Theo kết quả khảo sát vào tháng 3- 2014 do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp cùng Tổ chức Plan tại Việt Nam tiến hành với gần 3.000 học sinh THCS và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, chỉ có 18,2% số học sinh được hỏi cho rằng trường học của các em là tuyệt đối an toàn.
Nguyên nhân chính để các em đánh giá trường chưa thực sự an toàn là do vẫn còn học sinh đánh nhau, trêu đùa, chọc ghẹo (40,6%), do mọi người lăng mạ xúc phạm nhau trong trường (38,6%) và do bị các bạn trêu chọc (37,8%).
Đáng chú ý, kết quả khảo sát về trải nghiệm các hình thức bạo lực của các em học sinh trong trong 6 tháng gần đây (tháng 10/2013 đến tháng 3/2014) cho thấy 31% học sinh đã bị bạo lực về thân thể, 65% bị bạo lực về tinh thần và 11% bị bạo lực về tình dục trong trường học hoặc trên đường đến trường.
Nhóm lãnh đạo trẻ của trường THPT Thạch Thất ra mắt.
Ngày 11- 10 tại trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) nhân Ngày Quốc tế trẻ em gái (năm thứ ba) đã diễn ra sự kiện truyền thông ‘Vai trò của thanh niên trong phòng chống bạo lực giới’. Sự kiện là hoạt động nằm trong dự án trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng với tổng ngân sách hơn một triệu đôla Mỹ do Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp với Tổ chức Plan tại Việt Nam thực hiện.
Mục tiêu của dự án là học sinh nữ và học sinh nam từ 11 đến 18 tuổi học tập tại 20 trường học ở Hà Nội được bảo vệ an toàn khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.
Thông qua dự án, sẽ có 10 trường THCS và 10 trường THPT trên 16 quận/ huyện thuộc thành phố từ năm 2014 đến năm 2016 được thụ hưởng.
Sở GD&ĐT Hà Nội và tổ chức Plan tại Việt Nam hy vọng sẽ xây dựng thành công mô hình phòng ngừa và ứng phó với tình trạng bạo lực trên cơ sở giới tại trường học.
Cũng trong sự kiện kể trên, trường THPT Thạch Thất đã ra mắt nhóm lãnh đạo trẻ của trường. Nhóm được coi là những nòng cốt trong việc thực hiện dự án tại địa điểm này.