AFF Cup là giải vô địch Đông Nam Á được LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) lập ra với mục đích thương mại nhờ những tập đoàn lớn đứng sau lưng. Song song đó là hy vọng nâng chất lượng bóng đá khu vực, khi trước đó bóng đá Đông Nam Á chỉ trông vào hai năm một lần các đội tuyển dự SEA Games.
Vừa đá vừa chỉnh sửa “ao làng”
AFF Cup lần 1 (1996) ở Singapore thành công về mặt thương mại khi Tiger với trụ sở chính của Đông Nam Á ở Singapore đổ rất nhiều kinh phí vào giải đấu này nhưng lượng khán giả đến sân thì rất thưa thớt. Lần 2 (1998) thì lượng khán giả thành công ngoài dự đoán. Được gợi ý đưa giải về Việt Nam nhưng nhà tổ chức từ lo lắng đã hả hê vì sân Hàng Đẫy lúc nào cũng kín khán giả. Tuy nhiên, về chuyên môn thì đấy lại là giải để lại vết nhơ qua trận cầu bẩn giữa Indonesia và Thái Lan (tự sút vào lưới nhà để giành phần thua), bởi những tính toán xấu xí cùng điều lệ trái khoáy khi buộc hai đội nhất bảng phải di chuyển.
Đến năm 2000, AFF Cup về Thái Lan nhưng ngay cả đất nước có thành tích cao nhất Đông Nam Á vẫn chưa cho thấy sự đột biến về khán giả lẫn chuyên môn. Ở sân chơi châu Á và World Cup, các quốc gia xưng hùng xưng bá trong khu vực vẫn rất nghèo nàn về thành tích.
Song song đó, sau ba lần tổ chức AFF Cup (1996, 1998, 2000), AFF bắt đầu “bóp” sân chơi SEA Games lại từ năm 2001 thành sân chơi của U-23 để AFF Cup thành độc quyền sàn đấu của các đội tuyển và trở thành giải đấu giá trị nhất của khu vực.
20 năm Đông Nam Á có bốn đội vô địch AFF Cup, còn những giấc mơ xa hơn thì đều dang dở. Ảnh: CTV
Những giấc mơ từ AFF Cup
Bóng đá Việt Nam sau chiếc HCĐ AFF Cup lần 1 (1996) đã mở ra một hội nghị và đặt chỉ tiêu 20 năm sau sẽ tham dự World Cup. Tất nhiên, đó chỉ là những hứa hẹn của bộ sậu VFF khóa II đang hưng phấn sau chiếc HCB SEA Games 1995 và HCĐ AFF Cup 1996. Thành tích làm người hâm mộ Việt Nam sung sướng xuống đường, cùng thành tích cao trong khu vực khiến những nhà làm bóng đá “lao theo” mà quên hẳn có những trận ta thua Thái Lan đến 0-4 chóng vánh. Thậm chí có những nhà lãnh đạo vội đưa ra suy nghĩ rằng vì ta chưa đầu tư mà còn thế, nên nếu gắng thêm một chút thì sẽ qua Thái Lan rồi vào tốp đầu châu Á và kiếm suất World Cup (!?).
Và chuyện vẽ ra những kỳ tích không chỉ riêng bóng đá Việt Nam. Singapore sau một AFF Cup lần 1 thất bại trên sân nhà thì lần 2 (1998) họ vô địch tại Hà Nội (nhờ cái lưng vàng của Sasi Kumar trong trận chung kết trên sân Hàng Đẫy với Việt Nam) lập tức đã tính đến đề án “Goal 2010”. Họ mời ngay một êkíp người Đan Mạch gồm các HLV tên tuổi như Poulsen, Nielsen và các chuyên gia lên kế hoạch, xác định sau năm 2010 sẽ dự World Cup. Tương tự, Indonesia sau các kỳ AFF Cup đã đưa ra ba đề án song hành. Đầu tiên là đăng cai vòng chung kết World Cup 2022 (đề án này Indonesia đã tiêu tốn cả chục triệu USD cùng kinh phí lớn để vận động hành lang). Tiếp đến là kế hoạch cho World Cup 2022 và 2026 qua việc đầu tư cho đội U-15 và U-17 tập huấn dài hạn ở Uruguay. Sau cùng là đề án kêu gọi những tài năng ở châu Âu và châu Mỹ có cha hoặc mẹ gốc Indonesia quay về khoác áo đội tuyển quốc gia… Đến nay thì cả ba đề án trên đều đã gãy trong khi giấc mơ nhỏ nhất là vô địch AFF Cup thì Indonesia vẫn chưa thực hiện được.
Chậm nhất trong các giấc mơ World Cup là Thái Lan, dù quốc gia này liên tục vô địch Đông Nam Á ở hai sân chơi AFF Cup lẫn SEA Games. Mãi đến những năm 2005, 2006, Thái Lan mới đưa ra đề án Goal 2010 rồi 2014. Hai đề án trên, Thái Lan mời hẳn chuyên gia Peter Reid của Anh nhưng đến cả cái cúp quen thuộc là AFF Cup thì ông thầy này cũng bị đội tuyển Việt Nam lấy mất năm 2008. Sau khi sa thải Peter Reid, Thái Lan chuyển sang chuyên gia Đức Schaefer cùng chiến dịch dự World Cup 2018 nhưng mới chỉ đưa Thái Lan thi đấu ngang ngửa với Úc cùng những trận thua xem được với Nhật Bản, Hàn Quốc.
20 năm AFF Cup, FIFA mới bắt đầu nhìn vào giải đấu hàng đầu Đông Nam Á để tính điểm nhưng với các quốc gia thì 20 năm qua mới chỉ có Thái Lan vào đến vòng đấu loại cuối ở World Cup nhưng rồi lại hụt hơi và tụt lại rất xa.
Đến giờ thì chưa quốc gia nào dám đặt cột mốc 20 năm nữa sẽ có mặt ở World Cup mà quanh quẩn chỉ là đấu đá với nhau ở ao làng.