Nằm trên con đê quốc gia (địa phận xã Vĩnh An, Tân Liên của huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng giáp ranh sông Thái Bình) với chiều dài 1,5 km là khu quy hoạch 24 trang trại nuôi heo của hai xã Vĩnh An và Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Khu quy hoạch này nằm cách khu dân cư 400 m với khoảng 18.000 con heo đang là nỗi ám ảnh của người dân hai xã này.
Gần bốn năm chịu đựng
Ông Hoàng Minh Khôi, phó thôn Đông Hồng, xã Vĩnh An, ngao ngán: “Từ năm 2012 đến nay, chúng tôi sống không yên với tình trạng ô nhiễm môi trường. Con cháu cũng bỏ đi nơi khác. Chúng nó về thăm nhà thậm chí còn không dám ngồi ăn cơm với cha mẹ vì mùi thối theo gió vào nhà nồng nặc. Phân và nước tiểu của cả ngàn con heo mỗi ngày thải trực tiếp ra sông Thái Bình, công ty nước sạch lấy nguồn đó để lọc và bán lại cho dân, chúng tôi dùng nước cũng sợ. Cái khổ hơn thế vì chúng tôi trông chờ vào nguồn thu nhập chính là mấy sào ruộng thì 160 mẫu ruộng của dân trong thôn chỉ cho thu hoạch khoảng 80 kg thóc/sào, trong khi trước năm 2012, sản lượng thu hoạch là 200-220 kg thóc/sào. Lúa bị cháy do quá nhiều đạm hữu cơ theo phân và nước tiểu của heo chảy liên tục qua hệ thống kênh mương vào đồng ruộng”.
Ông Khôi và 180 hộ dân thôn Đông Hồng đã làm đơn phản ánh lên UBND huyện Vĩnh Bảo. Tháng 6-2016, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành ở hai xã.
Ngày 26-9, UBND huyện Vĩnh Bảo đã có thông báo kết quả kiểm tra tình trạng ô nhiễm môi trường tại xã Vĩnh An và Tân Liên. Theo bảng tổng hợp kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng thì 6/24 trang trại xây thêm chuồng nuôi không đúng tiêu chuẩn, 15/24 trang trại nuôi vượt quy mô theo dự án (có trại nuôi vượt 400 con heo so với đăng ký), hệ thống khử mùi tất cả chưa có hoặc có mà không hoạt động.
Một trang trại ở xã Vĩnh An xả thải thẳng ra kênh. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG
Xử phạt và buộc khắc phục
Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng phòng TN&MT huyện Vĩnh Bảo, cho biết vấn đề môi trường ở các trang trại heo đúng là nhức nhối như người dân phản ánh. “Có những đêm tôi về địa phương để quan sát, vục tay xuống nước để cảm nhận bằng trực quan, hiểu rằng người dân đúng là rất khổ. Kết quả sinh trắc về môi trường cho thấy các chỉ số liên quan đến chỉ tiêu mức độ gây ô nhiễm, chỉ số vi sinh vật trong nước thải gây bệnh... đều quá cao so với tiêu chuẩn cho phép. UBND huyện đã ra quyết định xử phạt hành chính các trang trại, trang trại bị phạt ít nhất là 12,5 triệu đồng, nhiều nhất là 32 triệu đồng”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Bảo, các hộ làm trang trại đã được nhận tiền hỗ trợ 90 triệu đồng/hộ từ Nhà nước để xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo đúng quy trình.
UBND huyện Vĩnh Bảo đã yêu cầu các hộ xây dựng chuồng nuôi đúng quy mô, số lượng theo nội dung dự án và cam kết bảo vệ môi trường đã được UBND huyện phê duyệt; mỗi lần nhập đàn nuôi mới phải báo cho UBND xã giám sát. Các hộ này cũng phải thực hiện ngay việc xây dựng hoàn thiện hệ thống khử mùi và đưa vào vận hành hoạt động thường xuyên; kiểm tra xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chảy tràn trong khuôn viên trại riêng biệt, không để nước mưa chảy vào khu ao xử lý. Ngoài ra, phải xây dựng đủ hệ thống ao xử lý sau hầm biogas, lập báo cáo quan trắc môi trường định kỳ sáu tháng/lần có sự giám sát của UBND xã, xây tường bao quanh trại, trồng thêm cây xanh.
Ông Lê Văn Ứng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên, cho biết xã đã yêu cầu các chủ trang trại nếu không có hướng xử lý nước thải và khí thải thì xã sẽ lấp các cống không cho các chủ trang trại xả nước thải ra sông và hệ thống mương nước nội đồng nữa.
17 trang trại chưa có hệ thống xử lý nước thải đúng quy định. Tất cả trang trại đều không thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, không làm công tác thu gom, xử lý rác thải nguy hại theo đúng quy định của cơ quan chức năng, chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước. 23/24 trang trại không có hệ thống cây xanh đảm bảo. Tình trạng vệ sinh trang trại của tất cả đều không sạch sẽ. |