33 máy quay vận hành VAR trang bị trên sân Mỹ Đình

Công nghệ VAR (công nghệ video hỗ trợ trọng tài) từng được VPF tính trang bị ở V-League nhưng khi đụng vào mới biết rất phức tạp bởi không chỉ ở thiết bị chuyên dùng phải mua ở những công ty được FIFA chứng nhận. Thêm vào đó là đội ngũ thực hiện phải trải qua những khóa huấn luyện và cấp bằng từ FIFA.

Tất cả hình ảnh từ 33 camera sẽ được chuyển về trung tâm của bộ phận
trọng tài VAR. Ảnh: GETTY IMAGES

Sơ đồ bố trí camera trên sân từ thông tin của AFC. Ảnh: AFC

V-League dù rất muốn bắt chước và cạnh tranh với Thai-League nhưng cuối cùng phải bỏ ngỏ khả năng sử dụng VAR trong giải vô địch quốc gia.

Vừa qua, khi đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại thứ 3 thì một trong những điều kiện đầu tiên cũng rất quan trọng là phải đảm bảo có hệ thống VAR trên sân. Điều mà bóng đá Việt Nam chưa một lần sử dụng. Tuy nhiên, khó khăn trên không khó giải vì AFC hoàn toàn có thể hỗ trợ Việt Nam thuê qua những công ty có gắn bó với AFC.

Từ đề nghị của LĐBĐ Việt Nam, AFC sẽ phối hợp một đối tác chuyên về VAR tham gia hỗ trợ để vận hành trên sân Mỹ Đình tại năm trận mà Việt Nam thi đấu với tư cách chủ nhà.

Số lượng camera để phục vụ VAR trước giờ những nhà làm bóng đá Việt Nam cứ nghĩ đơn giản là xuất hình từ bộ phận truyền hình trực tiếp trên sân nhưng thực tế là một bộ phận với 33 camera ghi hình riêng biệt chỉ để phục vụ cho VAR. Trong 33 camera trên có tám camera siêu chậm (super slow motion) và bốn camera quay chậm cực đại (ultra slow motion). Còn lại là các camera bắt hình với tốc độ bình thường nhưng phải đảm bảo độ phân giải cao.

33 camera sẽ được đặt tại đủ các góc quanh sân và trên khán đài, đặc biệt là hai cầu môn và khu vực 16,50 m nơi thường xuyên xảy ra các tình huống nóng và hay tranh cãi như việt vị hay không việt vị, phạt đền hay không phạt đền…

Công ty đối tác của AFC ngoài việc cho thuê sẽ đảm trách luôn phần nhân sự và hậu cần nhất là những trang thiết bị cho việc phối hợp giữa VAR và trọng tài. Phía VFF sẽ phải đảm bảo thủ tục cho những trang thiết bị cồng kềnh trên theo dạng tạm nhập, tái xuất.

Các trận mà đội tuyển Việt Nam thi đấu với tư cách chủ nhà và hệ thống VAR sẽ vận hành trên sân Mỹ Đình gồm gặp Úc (ngày 7-9), Nhật Bản (11-11), Saudi Arabia (16-11), Trung Quốc (1-2-2022) và Oman (24-3-2022).•

 

Bài học xương máu của đội tuyển Việt Nam khi thi đấu
có VAR

Tại Asian Cup 2019 đội tuyển Việt Nam đã thi đấu dưới sự “giám sát” của VAR và trước đó các tuyển thủ đã được tiếp thu những buổi lên lớp liên quan đến thi đấu có VAR “giám sát”.

Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam đã có một bài học xương máu từ VAR đó là bàn thua duy nhất trong trận thua Nhật 0-1 từ va chạm rất nhẹ của trung vệ Bùi Tiến Dũng với tiền đạo Ritsu Doan của Nhật. Tình huống rất bình thường nhưng khi trọng tài tham khảo VAR thì đã phạt đội Việt Nam một quả 11 m và bàn thua duy nhất cũng xảy ra từ đó.

Trước đó, đội tuyển Việt Nam ở hiệp 1 đã bị thủng lưới nhưng cũng nhờ VAR mà trọng tài phủ nhận bàn thắng của Maya Yoshida vì để bóng chạm tay trước lúc ghi bàn. NG.H

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm