Tại kỳ họp bất thường của HĐND TP.HCM ngày 6-10, các đại biểu thông qua chủ trương xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung cho người dân trong khu 4,3 ha khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
100% đại biểu tham dự đã thông qua chủ trương.
Gần 90% hộ dân đồng ý với chính sách dự kiến
Theo Kết luận 1483/2018 của Thanh tra Chính phủ, khu 4,3 ha nêu trên đã được xác định nằm ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo tờ trình của UBND TP, tổng số hồ sơ nằm trong khu 4,3 ha là 331. Chính quyền đã tiếp xúc, lấy ý kiến 308 hộ dân (23 hộ có mời nhưng không đến hoặc không liên lạc được). Kết quả, 172 hộ (55,8%) đồng ý với chính sách dự kiến, 108 hộ (35%) cơ bản đồng ý với chính sách dự kiến nhưng đề nghị xem xét, làm rõ thêm một số nội dung trong chính sách. Có 27 hộ (8,7%) không đồng ý với chính sách dự kiến và có một hộ đến tiếp xúc nhưng không đồng ý ký biên bản.
Về phương án bồi thường, trước đây trao đổi với báo chí, lãnh đạo UBND quận 2 cho biết TP sẽ dựa trên giá đất các dự án lân cận theo khung giá nhà nước ở thời điểm năm 2019. Cách tính này được UBND TP.HCM nghiên cứu trong suốt thời gian dài, Ban Thường vụ Thành ủy đã thông qua.
Cụ thể, giá bồi thường sẽ được tính theo quy chiếu hệ số, tức là vẫn tính giá thị trường không kiểm soát để làm cơ sở quy chiếu hệ số tỉ lệ diện tích đất được hoán đổi. Theo đó, 1 m2 ở đường Trần Não (nằm trong khu 4,3 ha) sẽ hoán đổi được bao nhiêu mét vuông đất ở đường Lương Định Của. Tiếp theo là lấy giá đất nhà nước ban hành liên quan đến những vị trí được đổi đất để tính hệ số quy đổi.
Cụ thể, 1 m2 đất mặt tiền Trần Não quy đổi đất mặt tiền đường Lương Định Của được 1,3 m2; đường số 4 (rộng 22 m) và đường A (rộng 24 m) được 1,7 m2; đường nội bộ (rộng 8 m) được 2,2 m2... Bốn tuyến đường này đều nằm trong khu 1,8 ha ở Bình Khánh mà quận 2 dự tính quy đổi đất.
Lãnh đạo quận 2 cũng cho biết nguyên tắc quy đổi là vị trí đất càng xa trung tâm quận 2 thì diện tích nhận được càng lớn. Nếu người dân đem bán diện tích đất đổi được, số tiền thu về tương đồng với diện tích đất bị thu hồi trong khu 4,3 ha ở hiện tại.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tại kỳ họp bất thường HĐND TP.HCM ngày 6-10. Ảnh: TL
Ba phương án bồi thường
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết quan điểm của TP là việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư làm sao có lợi nhất cho người dân. Điều này được thể hiện qua ba điểm: Thứ nhất là các loại đất không phải là đất ở cũng được xem là đất ở để bồi thường bổ sung cho dân. Thứ hai là sẽ áp dụng chính sách bồi thường ngay tại thời điểm 2019 chứ không phải tại thời điểm của mười mấy năm trước. Thứ ba là sẽ có ba hình thức bồi thường bằng tiền, nền đất và nhà tái định cư.
“Người dân có quyền lựa chọn bất kỳ phương án nào nhưng theo chúng tôi, người dân nên chọn đất nền tái định cư khác hoặc nhà tốt hơn là nhận tiền” - ông Hoan nói. Phó chủ tịch UBND TP cũng cho biết giá bồi thường hiện nay đã sát với giá thị trường, tuy nhiên không thể lấy giá thị trường để tính mà sẽ tính theo giá nhà nước của các dự án lân cận khu 4,3 ha, kèm theo là một tỉ lệ quy đổi tương ứng.
Ông nêu ví dụ: Giá thị trường tại khu vực lân cận là 150 triệu đồng/m2, giá bồi thường nhà nước là 50 triệu đồng/m2 thì hệ số quy đổi sẽ là 1,3. Từ ví dụ này, ông Hoan cho rằng với phương thức áp dụng hệ số quy đổi, người dân có thể chuyển sang nhận nền đất, nhà tái định cư và có thể giao dịch trên thị trường thì sẽ có giá trị cao hơn là nhận tiền bồi thường.
Ông Hoan cũng thông tin có hai cách nhận tiền bồi thường: Người dân có thể trả lại khoản tiền bồi thường trước đây để nhận lại toàn bộ theo giá trị hiện nay. Nếu không thì chỉ nhận thêm phần bổ sung theo chính sách mới.
Ông Hoan cũng cho rằng sau nghị quyết của HĐND TP, UBND TP sẽ có kế hoạch cụ thể về chi bổ sung. Theo đó, phải chiết tính đến từng người, gửi cho từng hộ để người dân xem và phản hồi. “Còn về quỹ đất và nhà tái định cư thì chúng tôi đã chuẩn bị cơ bản xong, đảm bảo bố trí đủ cho dân” - ông thông tin.
Giải quyết dứt điểm theo hướng bổ sung quyền lợi
Liên quan đến khiếu nại của các hộ dân tại năm khu phố thuộc ba phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh (quận 2), ông Hoan khẳng định TP đã tổng kiểm tra, rà soát pháp lý. TP cũng đã báo cáo Chính phủ và đang chờ Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng. Khi có kết quả thì sẽ họp báo công khai rộng rãi.
Dự kiến tháng 11-2019, UBND TP.HCM sẽ công bố các thông tin cụ thể đối với năm khu phố ở ba phường. Đối với những vấn đề liên quan đến khiếu nại của một số hộ dân, TP.HCM sẽ cố gắng giải quyết trong năm nay, theo hướng tính toán bổ sung quyền lợi cho người dân.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ khẳng định chủ trương xây dựng chính sách giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bổ sung đối với các hộ dân trong khu 4,3 ha để có định hướng thực hiện các bước tiếp theo nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để cuộc sống của người dân ổn định hơn.
Trong thời gian tới, bà Lệ đề nghị HĐND TP, các ban của HĐND TP, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND TP giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND TP, đảm bảo tuân thủ pháp luật, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, không để phát sinh khiếu nại.
Phí đăng ký ô tô, xe máy tăng mức cao nhất Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP.HCM đã thông qua chủ trương tăng mức phí đăng ký mới ô tô, xe máy lên mức cao nhất được quy định trong thông tư của Bộ Tài chính. Cụ thể, phí đăng ký ô tô dưới chín chỗ ngồi có mức tăng cao nhất, từ 11 triệu đồng lên 20 triệu đồng mỗi lần cấp. Các loại ô tô khác (trừ ô tô dưới chín chỗ ngồi) mức phí đăng ký tăng từ 150.000 đồng lên 500.000 đồng/xe. Xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống có mức phí đăng ký tăng từ 750.000 đồng lên 1 triệu đồng. Xe máy trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng có mức phí đăng ký tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2 triệu đồng. Xe máy hơn 40 triệu đồng thì tăng từ 3 triệu đồng lên 4 triệu đồng. Như vậy, mức phí này của TP.HCM tương đương mức TP Hà Nội đang thu và sẽ được áp dụng từ ngày 17-10. Cũng tại kỳ họp, các đại biểu đã nhất trí thông qua nghị quyết về đầu tư 100 tỉ đồng xây dựng trung tâm khởi nghiệp TP.HCM để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Bầu bổ sung hai ủy viên UBND TP.HCM Tại kỳ họp, các đại biểu bầu bổ sung ông Hà Phước Thắng, Chánh Văn phòng UBND TP và ông Đặng Minh Đạt, Chánh Thanh tra TP, làm ủy viên UBND TP.HCM. Ông Thắng (43 tuổi, quê Quảng Nam), cử nhân chính trị, thạc sĩ luật, cao cấp lý luận chính trị. Ông Đạt (56 tuổi, quê Long An), cử nhân luật, cử nhân hành chính, cao cấp lý luận chính trị. |