Theo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ 1-1-2013 đến 31-3-2017 đã có 134 tàu (công suất 250 CV) với hơn 1.000 ngư dân của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật. Trong đó 132 tàu với 997 ngư dân bị Indonesia bắt giữ; hai tàu khác do Malaysia bắt giữ. Huyện Long Điền là địa phương có số tàu lớn nhất bị bắt giữ (110 tàu với 787 ngư dân)…Các tàu cá bị bắt giữ chủ yếu hành nghề giã cào, câu, lưới rê.
Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định việc tàu cá trong tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ ngày càng tăng, diễn biến phức tạp, năm sau cao hơn năm trước. Điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của ngư dân, làm cho ngành khai thác, chế biến thủy sản của tỉnh suy giảm; các hệ lụy về nợ xấu ngân hàng, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh trật tự rất phức tạp, các chế độ, chính sách khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân khách quan là do nguồn lợi thủy sản trong vùng biển Việt Nam bị cạn kiệt, nếu đánh bắt tại vùng biển Việt Nam phần lớn đều bị thua lỗ. Hiện chưa có Hiệp định phân định vùng biển giữa Việt Nam với một số nước có chung vùng biển như Indonesia, Malaysia nên còn tạo ra những vùng biển chồng lấn.
Bên cạnh đó là việc Trung Quốc gia tăng các biện pháp nhằm khẳng định chủ quyền của họ theo tuyên bố đường “lưỡi bò”. Indonesia và Malaysia áp dụng biện pháp cứng rắn đối với tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của họ. Các chế tài đối với tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài còn hạn nhẹ và bất cập.
Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn nhiều hạn chế. Công tác tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo và kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản của lực lượng chức năng còn nhiều hạn chế.