Đúng 13 giờ 30 ngày 25-10, chuyến bay KQ 870 từ Nairobi chở ba thuyền viên Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân (cùng 35 tuổi, Hà Tĩnh) và Phan Xuân Phương (27 tuổi, Nghệ An) bị hải tặc Somalia bắt giữ năm 2012 đã trở về Việt Nam.
Mong ngóng từng giờ
Có mặt lúc 12 giờ, chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, người nhà thuyền viên Nguyễn Văn Xuân, cùng người nhà của hai thuyền viên còn lại bồng con đứng xếp hàng, mắt hướng về cửa sân bay. Lâu lâu chị lại nhìn vào điện thoại ngóng tin anh Xuân. Chị Quỳnh Anh cho biết từ khi anh Xuân bị hải tặc bắt, nỗi buồn như bao phủ cả ngôi nhà, chỉ cần ai nhắc đến tên anh là có người lại bật khóc. “Lúc đầu biết tin anh bị hải tặc bắt, tôi cũng hy vọng anh ấy trở về. Nhưng một năm, hai năm, rồi 3-4 năm trôi qua, cả gia đình dường như tuyệt vọng. Khi nghe tin anh ấy được hải tặc trao trả cả gia đình mừng lắm, ai cũng thao thức để mong chờ ngày hôm nay…” - chị Quỳnh Anh kể.
Đúng 2 giờ, khi ba thuyền viên bước ra cửa nhà ga T2 sân bay Nội Bài, nhiều người thân đã đến ôm chầm lấy họ, ai cũng trào nước mắt. Anh Nguyễn Văn Hạ chưa hết bàng hoàng: “Đặt chân xuống Nội Bài tôi rất hạnh phúc, bao nhiêu năm chờ đợi giờ cũng được về nhà. Tôi chỉ muốn nói lời cảm ơn mọi người!” - anh Hạ nói.
Anh Nguyễn Văn Hạ xúc động khi gặp lại gia đình. Ảnh: VIẾT LONG
Ăn, ngủ bên nòng súng
Anh Hạ kể: “Chúng tôi ăn, ngủ bên nòng súng, đi vệ sinh cũng có người ôm súng theo. Buổi sáng chúng cho mỗi người chỉ năm mẩu bánh ướt, tối về chỉ một bát cơm nhưng nhão nửa cơm nửa cháo. Cứ nghĩ rồi mình chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, khi chết đi không gặp lại vợ con, gia đình, người thân, không được chôn cất ở quê nhà... Nhưng rồi cứ nghĩ đến cảnh vợ mình đang bầu bì, lại còn phải chăm con nhỏ chưa đầy một tuổi, mình nuốt nước mắt vào lòng, cố gắng phải sống sót trở về”.
Cuộc sống cứ thế ngày ngày trôi đi trong khổ ải, chỉ mong nhất khi đêm về. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, vì mỗi lúc nằm ngủ thiếp đi là lúc mơ về gia đình và những đứa trẻ, thòm thèm giấc mơ về hạnh phúc khi bất giác tỉnh dậy.
“Có đêm tôi mơ vợ nói chồng ăn nhiều vào còn lấy sức lo cho vợ và hai con, thấy mình ăn một lúc năm chén cơm. Buổi chiều dẫn hai thằng con chạy dọc bờ biển Kỳ Anh nhà mình rồi đón vợ bán cá trở về. Khi nắm tay vợ thì cơn mưa bất chợt khiến tôi tỉnh giấc. Lại đối mặt với bóng đêm, nỗi đau xa gia đình, vợ con. Mỗi lần như thế tôi lại tự hứa cố gắng để trở về” - anh Hạ nói.
Suốt bốn năm, ba thuyền viên sống ở nơi bên trên là lùm cây nhỏ, xung quanh không một bóng nhà nào. Khi trời nắng thì căng một tấm bạt lóp ngóp nằm chung dưới đất, còn lại khi trời mưa cũng chỉ có một tấm bạt để che nhưng không thể ngủ được. Muốn ngủ thì phải chờ cho nước mưa rút hết đi mới có thể nằm ngủ được.
“Bốn năm ấy như một cơn ác mộng nhưng ba anh em cứ động viên nhau cố gắng phải sống. Người này buồn, người kia an ủi để vượt qua” - anh Phan Xuân Phương nhớ lại.
Về đến Việt Nam mới biết mình còn sống
“Hôm kia, khi được vận chuyển về khách sạn ở Somalia, tôi vẫn nghe tiếng súng vang trời. Khi mình mở cửa sổ ra thì thấy đạn bay đỏ lòe loẹt, lúc đó cảm thấy tuyệt vọng lắm” - anh Hạ kể.
Một đứa bé con anh Hạ chen ngang câu chuyện: “Bố ơi!”. Anh Hạ bế con, rồi lấy những ngón tay sần sùi, thô kệch của mình lau giọt nước mắt trên má con trai. Anh xúc động: “Ngày mình bị bắt, mẹ nó vẫn đang còn mang bầu, giờ nó đã bốn tuổi rồi. Từ sân bay về phải nịnh mãi nó mới gọi được hai tiếng “bố ơi”!”.
Cách anh khoảng hai bước chân, vợ anh đã lén quay đi gạt những giọt nước mắt hạnh phúc. Với chị, có lẽ hôm nay là một ngày đặc biệt trong cuộc đời sau những chuỗi ngày tuyệt vọng, sau những chuỗi ngày đơn chiếc nuôi con cùng hy vọng gặp lại chồng cứ dần mong manh...
Nỗ lực ngày đêm để thuyền viên được về nhà Ông Đỗ Tuấn Anh, Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam), cho biết qua nhiều nỗ lực và bằng các giải pháp khác nhau, phòng đã nhận được thông tin ba thuyền viên của Việt Nam được giải cứu. Sau đó, Cục Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đã làm việc không kể ngày đêm để đưa các thuyền viên về. “Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã cử người sang Kenya tiếp nhận và hỗ trợ các thủ tục liên quan. Sau khi khám sức khỏe, các thuyền viên đã được chúng tôi chuẩn bị vé máy bay để về nước hôm nay…” - ông Đỗ Tuấn Anh thông tin. Vào tháng 2-2012, tàu cá FV Naham 3 của Đài Loan đã bị cướp biển Somalia bắt giữ tại quần đảo Seychelles (Ấn Độ Dương). Trên tàu có các thuyền viên đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan và Việt Nam. Ba thuyền viên Việt Nam trên tàu cá này là Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Xuân và Phan Xuân Phương. |