5 chiếc HCV lịch sử của Việt Nam ở SEA Games 29

Tại SEA Games 29 ở Malaysia, đoàn thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 58 HCV để hoàn thành mục tiêu nằm trong tốp 3. Bên cạnh thành công đó, có rất nhiều VĐV dự kiến có vàng nhưng không thể đạt được như Hoàng Xuân Vinh, Quý Phước, Duy Nhất,… Tuy nhiên, cũng có những chiếc HCV đem lại rất nhiều cảm xúc thăng hoa cho người hâm mộ.

Kình ngư tuổi teen phá kỷ lục tồn tại 14 năm ở SEA Games

 Kim Sơn, tài năng tuổi teen của bơi lội Việt Nam. Ảnh: HUY PHẠM

Kình ngư mới 17 tuổi, Nguyễn Hữu Kim Sơn chính là bất ngờ lớn ở SEA Games lần này. Kim Sơn cùng với Huy Hoàng, Quang Nhật là những nhân vật chính gây ồn ào trong vụ thi thử để chọn ra người dự thi cự ly 1.500 m tự do trước SEA Games.

Cuối cùng Huy Hoàng, Quang Nhật được chọn còn Kim Sơn phải chuyển sang thi đấu nội dung 400 m hỗn hợp nam. Và bất ngờ đã xảy ra.

Kim Sơn xuất sắc giành tấm HCV ở cự ly này đồng thời phá luôn kỷ lục SEA Games tồn tại 14 năm với thông số 4 phút 22 giây 12. Kỷ lục cũ do VĐV Thái Lan Ratapong Sirisanont lập ở SEA Games 2003 tại Việt Nam với thành tích 4 phút 23 giây 20.

Điều đáng nói là Kim Sơn hầu như bị bỏ lại phía sau trong suốt cuộc đua nhưng kình ngư này đã tăng tốc mạnh mẽ trong giai đoạn cuối để vượt lên giành tấm HCV lịch sử.

Vượt qua đàn anh, Huy Hoàng lần đầu giành vàng SEA Games

Quang Nhật và Huy Hoàng trên bục nhận huy chương. Ảnh: HUY PHẠM

Ở cự ly bơi 1.500 m tự do nam, Việt Nam tham dự với hai VĐV là Lâm Quang Nhật và Nguyễn Huy Hoàng. Trong khi Quang Nhật là ĐKVĐ đồng thời là kỷ lục gia SEA Games thì Huy Hoàng chỉ mới lần đầu tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Ở cự ly này, kình ngư mới 17 tuổi Huy Hoàng đã làm dậy sóng đường đua khi băng băng về đích đầu tiên với thành tích 15 phút 20 giây 11, phá sâu kỷ lục SEA Games của Quang Nhật 15 phút 31 giây 03 lập tại SEA Games hai năm trước ở Singapore.

Quang Nhật cũng phá kỷ lục của chính mình với thành tích 15 phút 23 giây 94 và cán đích ở vị trí thứ hai. Sau khi về đích, Quang Nhật đã lao sang chúc mừng đàn em Huy Hoàng. Sau đó cả hai cùng khoác tay nhau đứng trên bục… số 1 trong lễ trao huy chương và cử quốc ca Việt Nam.

Trịnh Văn Vinh và chiếc huy chương vàng lịch sử

Văn Vinh phấn khích trong khoảnh khắc giành HCV. Ảnh: ZING

Ở môn cử tạ hạng dưới 62 kg, ứng cử viên số một cho chiếc HCV là nhà vô địch SEA Games, á quân Olympic người Indonesia Eko Yuli Irawan. Văn Vinh tham dự nội dung này nhưng không được đánh giá cao mà chỉ có thể hy vọng giành huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam.

Diễn biến cuộc thi đã cho thấy rõ điều đó khi VĐV Indonesia đã cho thấy sự vượt trội so với tất cả khi anh liên tục dẫn đầu và làm chủ cuộc chơi.

Ở lượt thi cử giật, trong khi thành tích của Irawan là 140 kg thì Văn Vinh chỉ đạt 135 kg, nghĩa là kém đến 5 kg. Ở lượt cử đẩy, Irawan tiếp tục cho thấy phong độ ổn định khi nâng thành công mức tạ 166 kg. Lúc này thành tích của Irawan ở hai nội dung đã hơn Văn Vinh đến 9 kg.

Để đoạt HCV, Văn Vinh buộc phải nâng mức tạ thêm 10 kg lên 172 kg. Và bất ngờ không thể tin nổi đã xảy ra khi lực sĩ Việt Nam đã nâng thành công mức tạ này để giành HCV trong sự ngỡ ngàng của cả đoàn Indonesia.

Với tổng cử 307 kg, Văn Vinh giành HCV khi hơn Irawan đúng 1 kg đồng thời phá luôn kỷ lục SEA Games. Kỷ lục SEA Games cũ cũng do Irawan thiết lập là 304 kg.

Kỳ tích của điền kinh Việt Nam

Bộ tứ huyền thoại. ẢNH: HUY PHẠM

Tại SEA Games 29, điền kinh Việt Nam đã phá vỡ sự thống trị của Thái Lan ở nhiều nội dung. Quan trọng hơn, điền kinh Việt Nam đã giành đến 17 HCV để chính thức lần đầu tiên vượt mặt người Thái.

Nếu phải chọn ra nội dung để khắc họa rõ nét khoảnh khắc vinh quang này thì đó chính là cự ly 4 x 100 m tiếp sức nữ, đây là nội dung mà Thái Lan thống trị và giành HCV trong suốt nhiều năm trời.

Ở nội dung chạy tiếp sức 4 x 100 m nữ, đội tuyển nữ Việt Nam gồm Lê Tú Chinh, Đỗ Thị Quyên, Lê Thị Mộng Tuyền và Trần Thị Yến Hoa đã xuất sắc về nhất với thành tích 43 giây 88. Thành tích này còn phá kỷ lục SEA Games mà Thái Lan đã giữ cách đây 10 năm là 44 giây.

Bóng bàn đồng đội nam

Chiếc HCV lịch sử. Ảnh: ZING

Singapore với chính sách nhập tịch VĐV Trung Quốc đã thống trị bộ môn bóng bàn SEA Games trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đêm 26-8, các chàng trai của Việt Nam đã tạo nên dấu mốc lịch sử tại SEA Games khi xuất sắc vượt qua Sinagpore giành HCV nội dung đồng đội nam.

Đây được xem là chiếc HCV lịch sử của bóng bàn Việt Nam bởi trước đây Việt Nam chỉ có thể giành vàng SEA Games ở nội dung đơn nam và đôi nam nhưng đồng đội nam thì chưa bao giờ giành được.

Ở trận chung kết, các tuyển thủ Việt Nam gồm Đinh Quang Linh, Nguyễn Anh Tú, Đoàn Bá Tuấn Anh đã xuất sắc ngược dòng giành chiến thắng 3-1 trước Singapore để đăng quang. Trận đầu tiên Quang Linh thúc thủ 1-3 trước Gao Ning. Ở trận thứ hai Anh Tú xuất sắc thắng Clarence Chew 3-1.

Trận thứ ba bộ đôi Quang Linh - Tuấn Anh thắng Goa Ning - Pang Xue Jie 3-2. Đến trận quyết định, lại là Anh Tú xuất thần đánh bại Pang Xue Jie trắng 3-0 để giúp Việt Nam thắng chung cuộc 3-1 lên ngôi vô địch.

Ngay sau khi Anh Tú ghi điểm quyết định giành chiến thắng, các VĐV và ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn Việt Nam không thể kềm nén cảm xúc đạp đổ cả hàng rào lao vào sân ôm nhau ăn mừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm