Hội thảo do Sở GD&ĐT TP.HCM phối hợp với Viện Khoa học Quản lý nguồn nhân lực, Công ty Cổ phần Kết nối trường học Việt Nam tổ chức ngày 15-8.
Theo khảo sát này, có đến hơn 70% giáo viên (GV) được hỏi khi học sinh (HS) bị chảy máu cam phải làm sao đều khuyên các em ngửa cổ lên trời để máu không chảy ra ngoài. Cách này hay được dân gian áp dụng nhưng thực tế lại hoàn toàn sai nếu ngửa cổ khi chảy máu cam, máu sẽ chảy ngược vào cổ họng và dạ dày. Lượng máu nhiều đột ngột chảy xuống cổ họng có thể gây khó thở và buồn nôn.
“Cách xử trí khi bị chảy máu cam” là một trong những bài học của chương trình kỹ năng sống Poki. Nếu nhà trường áp dụng, chương trình sẽ được tập huấn và chuyển giao đến nhà trường để GV trực tiếp giảng dạy thông qua bộ giáo án điện tử, tập tin trình chiếu.
Chương trình kỹ năng sống Poki cung cấp cho trẻ nhiều kiến thức phòng vệ
Chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki cấp mầm non và tiểu học chia thành bốn nhóm chính: Thường thức cuộc sống; Giao tiếp và tương tác; Tư duy, học tập và sáng tạo; Sử dụng thông tin và ứng dụng công nghệ. Mục tiêu của chương trình là chuẩn bị những tri thức và kỹ năng cần thiết cho trẻ nhỏ hình thành sự tự tin, trách nhiệm, tự lập, có sức khỏe tốt, vươn tới những thành công khi trưởng thành.
Cụ thể, chương trình Poki bậc mầm non sẽ hướng dẫn các bé về vệ sinh đúng cách, giới tính, giữ an toàn khi gặp người lạ, văn hóa ứng xử giao tiếp, tự phục vụ bản thân… Còn ở bậc tiểu học, chương trình tập trung giáo dục về chăm sóc sức khỏe, giải quyết mâu thuẫn, phòng chống xâm hại, quản lý thời gian, xử trí khi gặp đám cháy, chảy máu…Chương trình giáo dục kỹ năng sống Poki đã được triển khai ở 22 tỉnh thành, trong đó có TP.HCM và tiếp tục mở rộng trong năm học mới. Chương trình vừa được công nhận danh hiệu Sao khuê 2017 trong lĩnh vực Giáo dục, đào tạo.
Thầy Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM, đánh giá: “Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là rất cần thiết. Tuy nhiên, tài liệu, nội dung, phương pháp dạy kỹ năng sống trong trường học của thành phố chưa đầy đủ, chưa được triển khai một cách khoa học. Việc giáo dục kỹ năng sống cần thực hiện từ những lớp nhỏ ở bậc mầm non, tiểu học để trẻ sớm hình thành nhân cách, kỹ năng, thói quen tích cực, xử lý hiệu quả các tình huống trong cuộc sống. Hiện nay, môi trường sống, các vấn đề xã hội xung quanh trẻ em diễn biến phức tạp, nhất là khu vực đô thị nên việc triển khai giáo dục kỹ năng sống sẽ tạo cho học sinh có kỹ năng phòng vệ tốt hơn”.