Một trận đấu được hâm nóng từ rất lâu và được những nhà làm kinh tế ở Nhật Bản “thổi” lên là trận “Vietnamese Derby” cùng hình ảnh Công Phượng đối đầu với Tuấn Anh trong màu áo hai CLB dự J-League 2 tại Nhật. Ngay cả các siêu thị lớn của Nhật tại Việt Nam cũng quảng bá rất đậm cho trận “Vietnamese Derby” này.
Một số PV phụ trách kinh tế được mời sang Nhật để mục sở thị trận “Vietnamese Derby” này đã chia sẻ: “Chúng tôi rất hào hứng với hình ảnh của Tuấn Anh và Công Phượng trong màu áo hai CLB Nhật và cách mà những nhà làm kinh tế của Nhật quảng bá cho trận cầu trên. Tuy nhiên, khi biết Tuấn Anh không đăng ký trong danh sách thi đấu của Yokohama, còn Công Phượng thì chỉ ra sân ở phút 86 cộng với bốn phút bù giờ, chạy suốt tám phút đấy mà không được chuyền bóng thì lại thấy cảm giác thương thương cho hình ảnh các cầu thủ Việt Nam khoác áo CLB Nhật được đẩy lên quá dữ...”.
Công Phượng trước trận “Vietnamese Derby” và áp phích quảng cáo cho trận đấu trên tại siêu thị Nhật ở Việt Nam. Ảnh: CTV
Lỗi tại ai?
Thực chất thì chẳng ai có lỗi cả bởi bóng đá chuyên nghiệp ở Nhật gắn rất chặt với việc làm kinh tế mà người Nhật hướng đến thị trường trong khu vực lẫn cả kiều bào ở địa phương có đội bóng mình thi đấu. Vì “thương trường” mà các nhà làm kinh tế ở Nhật nhắm đến là những nơi các cầu thủ trong khu vực châu Á có mặt nhất định trong thành phần các đội bóng Nhật, trong đó có Công Phượng và Tuấn Anh. Tuy nhiên, cái được trong bóng đá chuyên nghiệp Nhật là họ có thể “mua” cầu thủ từ các nền bóng đá thấp hơn để phục vụ “doanh số” của CLB lẫn đơn vị chủ quản và cả “khách hàng” của mình nhưng yếu tố chuyên môn thì phải do HLV trưởng chịu trách nhiệm. Đó là lý do trước cuộc đối đầu giữa Mito Hollyhock với Yokohama của Công Phượng và Tuấn Anh ở lượt về J-League 2, hình ảnh hai cầu thủ này được xuất hiện dày đặc và tất nhiên đó là “chiêu trò” trong công tác thương mại. Thậm chí ở Việt Nam, các siêu thị Nhật tại Việt Nam cũng được quảng bá rất đậm về trận “Vietnamese Derby” với hình ảnh Công Phượng và Tuấn Anh xuất hiện như hai nhân vật chính và chủ lực của đội bóng trong trận cầu then chốt này.
Thực tế, hai nhân vật chính được quảng bá thì một không đăng ký thi đấu (Tuấn Anh), một ra sân phút 86 và không được một lần chạm bóng đã nói lên tất cả.
Tất nhiên cái được của hai cầu thủ trên không phải là họ chỉ xuất hiện trong công tác quảng bá của người Nhật mà họ được sống chung với môi trường bóng đá chuyên nghiệp của Nhật. Được ăn, được tập trong môi trường chuyên nghiệp và hơn hết là được ý thức rằng phải cạnh tranh quyết liệt và phải có sự nổi trội về chuyên môn so với các đồng đội thì mới được ra sân. Thế nên cũng không lạ khi Tuấn Anh và Công Phượng dự bị suốt ở Nhật nhưng về Việt Nam họ vẫn nổi trội nhờ vào tính chuyên nghiệp học và tích lũy được từ một nền bóng đá chuyên nghiệp thực thụ.
Người Nhật giỏi làm kinh tế nhưng cũng giỏi trong việc rèn cầu thủ trong môi trường chuyên nghiệp.