Phần nửa suất Champions League ở đây là nếu CLB VN vào được vòng bảng (sau khi đá play off) thì cắt nửa suất ở AFC Cup. Ngược lại, nếu rớt ở các vòng play off thì xuống đá AFC Cup.
Thực tế thì những năm trước, thời CLB B. Bình Dương “làm trùm” thì bóng đá VN đã được 1,5 suất Champions League rồi.
Bóng đá VN cấp CLB với các sân chơi châu Á, về thực lực cũng như tài chính và sự cầu tiến thì chỉ có ba CLB thích tham dự là Hà Nội, Sài Gòn FC và TP.HCM mà thôi. Tuy nhiên, xét về trình độ và đẳng cấp ở sân chơi Champions League, các CLB VN rất khó thể hiện trước các CLB đến từ Nhật, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nói khác đi là các CLB VN chơi ở Đông Nam Á thì còn trụ được nhưng bước ra xa hơn thì thể hiện sự đuối sức rất rõ.
Thời CLB B. Bình Dương mạnh nhất với nội binh mạnh và ngoại binh cũng thuộc loại chất lượng, chơi ở Champions League cũng không qua được vòng bảng.
Vấn đề ở đây là cách suy nghĩ chọn đấu trường để thi đấu mà thường thì một số CLB VN hay có tư tưởng đá bỏ để về chơi ở sân chơi nhẹ hơn như AFC Cup hoặc bỏ luôn để về đá “ao nhà” vẫn thường xảy ra.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nhiều CLB VN chưa đủ chuẩn AFC nên bị loại. Như năm 2017, Quảng Nam vô địch V-League nhưng không được xét đá cả Champions League lẫn AFC Cup vì không đáp ứng được tiêu chuẩn CLB chuyên nghiệp của AFC. Năm 2020 thì CLB Hà Nội bị AFC cắt suất dự các cúp châu Á do không cử đội trẻ U-15 dự giải quốc gia.
1,5 suất Champions League của Việt Nam so với 2,5 suất của Thái Lan về bản chất là một khoảng cách không nhỏ vì tiêu chuẩn của AFC rất gắt gao. Hơn nữa những CLB chuyên nghiệp của Thái Lan rất “máu” dự cúp châu Á vì đó là cách quảng bá thương hiệu lớn, đồng thời khẳng định giá trị của CLB.