Ai đủ ‘cơ’ để nhắc HLV trưởng?

Các nhà chuyên môn đều nhìn nhận lứa U-22 Việt Nam tham dự SEA Games vừa qua có trình độ chuyên môn tốt nhất từ trước đến nay. Họ cũng đã được VFF ưu ái đầu tư rất lớn với những điều kiện thuận lợi kể từ sau… thất bại ở kỳ SEA Games trước. Cứ xem cả một giải vô địch quốc gia phải ngừng lăn bóng chỉ để cho thầy trò Hữu Thắng được chơi bóng từ các trận giao hữu đến đá giải U-23 châu Á đủ thấy sự ưu tiên số một.

HLV Hữu Thắng sau trận thua U-22 Thái Lan đã xin từ chức và nhận hoàn toàn trách nhiệm. Đổ hết mọi lỗi lầm cho Hữu Thắng lúc này rất dễ, như chỉ cần nhắc đến việc không thay Tuấn Tài bằng cầu thủ khác ở trận hòa Indonesia không bàn thắng đã khó cãi rồi.

Vấn đề của VFF là làm sao để các đời HLV kế nhiệm Hữu Thắng rút ra bài học quý và quan trọng hơn trong quá trình HLV dẫn dắt các đội tuyển, ai đủ “cơ” để nhắc nhở hoặc tư vấn thuyền trưởng không đi vào vùng nước xoáy?

Rõ ràng HLV Hữu Thắng xuyên suốt từ thất bại ở AFF Cup 2016 cho đến SEA Games 29 vừa không có một nhà tư vấn chuyên môn nào từ thượng tầng và thiếu hẳn những trợ lý đáng tin cậy trong nhiều thời điểm có thể giúp ông “tỉnh” ra. Đội tuyển U-22 Việt Nam có hẳn trưởng đoàn là Tổng Thư ký VFF Lê Hoài Anh sánh đôi Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn nhưng vai trò của họ như một con số 0 tròn trĩnh.

Nói thẳng ra, cặp bài trùng này dự SEA Games chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa và chực chờ khi vui thì vỗ tay vào. Họ đã làm gì khi VFF bỏ tiền ra thuê Giám đốc kỹ thuật Gede (người Đức) lại bị đặt ra ngoài cuộc chơi dù đương nhiên ông có tiếng nói trọng lượng bậc nhất về chuyên môn cho các đội tuyển?

Đến cả các trợ lý của Hữu Thắng cũng không phải lúc nào cũng toàn tâm toàn ý cho đội tuyển, như HLV Lư Đình Tuấn có khi phải rút đi làm trợ giảng AFC, hay ông Hoàng Anh Tuấn cấn cá với bầu Đức xin nghỉ hẳn. Các trợ lý không có nhiều tư vấn giá trị trong lúc HLV trưởng còn thiếu nhiều kinh nghiệm và đơn độc trong cuộc chơi đầy khó nhọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm