Ai tiếp tay cho Mường Thanh Khánh Hòa vượt trần?

Thế nhưng điều này lại không hoàn toàn đúng với tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa mà chủ đầu tư là DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (hay được gọi là Tập đoàn Mường Thanh).

Tại thời điểm này, doanh nghiệp (DN) trên đã thi công không sai số tầng theo GPXD được cấp vào cuối tháng 10-2014 và phụ lục điều chỉnh năm 2015. Từ chỗ bị Sở Xây dựng tỉnh thu hồi GPXD vì cho rằng đã xây sai phép, DN đang khiếu nại và theo đánh giá của chánh Thanh tra Bộ Xây dựng thì kiến nghị của DN là có cơ sở. Chuyện lạ gì đang xảy ra ở đây vậy?

Phải nói ngay là DNTN Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên đã có hành vi vi phạm pháp luật khi vẫn tiếp tục thi công công trình mặc dù đã có quyết định dừng thi công và quyết định thu hồi GPXD ngày 9-9-2016 của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa. Trong thời gian khiếu nại (hoặc khởi kiện) về quyết định thu hồi GPXD và chờ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết, DN này bắt buộc phải nghiêm chỉnh chấp hành quyết định rồi sau đó tùy kết quả mà có cách xử lý tiếp theo.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, hoàn toàn rất đáng trách khi “cội nguồn” của các sai trái có liên quan đến công trình trên chính là ở UBND và Sở Xây dựng tỉnh. Theo đồ án quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2025 đã được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 9-2012 thì các công trình thuộc khu đô thị ven biển Nha Trang chỉ được cao đến 40 tầng. Ấy thế, vì cái gọi là lợi ích đầu tư mà sau đó UBND tỉnh đã “bật đèn xanh” cho nhiều dự án cao ốc vượt qua con số trên, bất chấp chỉ lệnh của Thủ tướng. Đơn cử, với cao ốc Mường Thanh Khánh Hòa, DN cho biết đã được Sở Xây dựng tỉnh cấp phép xây đến 48 tầng…

Phải đến tháng 9-2015, UBND tỉnh mới đề nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng cho điều chỉnh đồ án quy hoạch, nâng chiều cao khống chế lên 60 tầng kiểu như tiền trảm hậu tấu. Chừng khi Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến không đồng ý của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhằm đảm bảo không gian cảnh quan khu vực ven biển của vịnh Nha Trang thì vào đầu năm nay tỉnh mới cấp tập sửa cái sai của chính mình.

Một loạt yêu cầu được tỉnh này đặt ra như DN phải khẩn trương lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình cho phù hợp với chiều cao tối đa 40 tầng gửi Sở Xây dựng thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt; phải lập thủ tục xin điều chỉnh GPXD; không được xây dựng công trình vượt quá 40 tầng... 

Kẹt nỗi, như trình bày của DN là họ đã có những phương thức kinh doanh phù hợp và việc điều chỉnh trễ nãi của tỉnh ắt kéo theo nhiều hệ lụy giữa họ với khách hàng và giữa các khách hàng với nhau. Dẫu trước đó DN cũng đã sai khi đề nghị được cấp GPXD vượt trần nhưng giờ DN và cả chính quyền đâu thể dễ dàng phủi tay trước các thiệt hại của nhiều người khác.

Viện dẫn khoản 1a Điều 101 Luật Xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng GPXD năm 2014 cần được thu hồi do “được cấp không đúng quy định của pháp luật”. Phía DN thì làm nhiều người giật mình với đáp trả GPXD đó không thể bị thu hồi vì có nội dung phù hợp với các văn bản thỏa thuận lúc trước của UBND tỉnh với DN.

Đúng-sai thế nào hãy đợi UBND tỉnh xử lý cụ thể nhưng chắc chắn DN làm sai thì chính quyền sẽ xử lý theo pháp luật. Các cán bộ, công chức làm sai cũng phải được rốt ráo nhận diện sớm để có biện pháp chế tài tương thích nhằm đảm bảo lẽ công bằng.

Điều có thể thấy rõ nhất lúc này là từ sự thiếu kỷ cương, không tuân thủ phép tắc cấp trên-cấp dưới của một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn của tỉnh mà nhiều DN có cơ hội vi phạm xây dựng khiến biển Nha Trang lần lượt bị băm nát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm