Chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên bị mắc kẹt ở hang Tham Luang (Thái Lan) kéo dài gần một tháng trời với sự giúp sức của hơn 100 người đến từ gần 10 quốc gia đã thành công rực rỡ.
Tuy nhiên, để làm nên một chiến dịch giải cứu quy mô rầm rộ như vậy, chuyện tốn kém là điều khó tránh khỏi. Nhưng câu hỏi đặt ra ai sẽ là người "chủ chi" trong chiến dịch lần này?
Theo nhà chức trách xứ Chùa Vàng, đa phần các chi phí trên đều do chính phủ nước này đảm trách. Ảnh: Reuters
Các nhà chức trách Thái Lan cho biết đa phần các chi phí phát sinh trong chiến dịch giải cứu đều do chính phủ nước này đảm trách. Tuy nhiên, trong đó còn một số khoản khác họ vẫn nhận được sự hỗ trợ từ nước ngoài hoặc các doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ, kinh phí cho 30 binh lính không quân Mỹ tới giúp sẽ do Washington đảm trách và xem như một nghĩa cử giúp đỡ thiện chí.
Bên cạnh đó, chi phí đi lại của các thợ lặn cũng như đội giải cứu được hai hãng hàng không Thái Lan là Thai Airways và Bangkok Airways tài trợ toàn bộ chi phí. Đây là một khoản không phải nhỏ khi có nhiều thợ lặn bay nhiều chặn quốc tế đến Thái Lan.
Ngoài ra, chi phí ăn uống của đội giải cứu cũng được một số doanh nghiệp Thái Lan hỗ trợ. Không những vậy, trước đó, chúng ta đều biết, người dân quanh khu vực hang Tham Luang tình nguyện nấu cơm, cắt tóc cho thợ lặn giải cứu. Đây tuy không phải là một khoản chi phí lớn nhưng đủ thấy phần nào sự tương trợ của người dân Thái cũng như trách nhiệm của họ đối với một chiến dịch lớn của đất nước.
Ngoài ra, khi biết Thái Lan đang cần giúp đỡ, nhiều huấn luyện viên dạy lặn người nước ngoài đã tình nguyện đến hang Tham Luang để hỗ trợ cho đội tìm kiếm cứu nạn. Các vấn đề hậu cần của chiến dịch đều có hàng chục tình nguyện viên Thái Lan tham gia và họ đều không đòi hỏi bất kỳ chi phí nào.