Khán giả vẫn còn nhiều luyến tiếc khi tấm màn nhung khép lại.
Người xem trong khán phòng trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật lặng đi hồi lâu, nghe nhau cả hơi thở, cả những tiếng thút thít nho nhỏ, như sợ cảm xúc vỡ ra. Tấm màn nhung khép lại rồi mở ra.
Những tiếng vỗ tay mới vang lên từng tràng đều đặn. Thảo Vy ra chào khán giả mà đôi mắt vẫn còn thờ thẫn, long lanh nước, hoe đỏ.
Cái chết của lão gia họ Trần độc ác, mưu mô, đầy tội lỗi là hồi kết của một vở bi kịch trong tác phẩm văn học Thê Thiếp Thành Quần (Lắm vợ nhiều nàng hầu) của nhà văn Tô Đồng – Trung Quốc từ năm 1920, đã Việt Nam hóa thời những năm 1980 dưới sự đạo diễn giàu kỹ thuật của đạo diễn Ngọc Tưởng.
Những chiếc lồng đèn đỏ lập lòe, nhảy múa trên sân khấu chẳng khác gì tiểu cảnh ở một ngôi nhà cổ Hội An, nơi mà Ngọc Tưởng cảm tác có bóng dáng rất riêng với chiếc Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn lão luyện Trương Nghệ Mưu đã nức tiếng hồi thập niên 1990 cũng chuyển thể từ Thê Thiếp Thành Quần.
Ba người vợ của Trần gia chơi một ván bài như đánh cược cả cuộc đời mình vậy. Ảnh: ANH TƯỞNG. |
Sân khấu của Gia Vũ Yên Đăng ước lệ của đạo diễn Ngọc Tưởng với xuyêt suốt những chiếc đèn lồng Hội An, trong gia trang họ Trần có một cái bàn uống trà, bộ tràng kỷ, khoảnh sân là cái giếng nước… rất dễ bắt gặp đâu đó tại một làng quê cũ kỹ, nơi còn in nhiều vết hằn của một thời phong kiến lạc hậu.
Nỗi ám ảnh thi vị của Ngọc Tưởng với những chiếc đèn lồng đỏ lập lòe đã dẫn dắt người xem thưởng thức một vở kịch tốt nghiệp cho lứa sinh viên K24B trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật là một tác phẩm hoàn chỉnh, riêng biệt với bản phim gốc xuất xứ Trung Quốc hay những bản dựng sân khấu trước đó. Đất diễn cho các tuyến nhân vật vì thế rộng rãi hơn, sợi dây cảm xúc liền lạc, không gò bó, gượng ép.
Cái giếng nước chôn vùi bà Hai dưới đáy cũng là nơi giấu kín những tâm tư trĩu nặng và giằng xé trong một đại gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề của lễ giáo phong kiến... |
... cùng bóng đêm che chắn tình cảm chính đáng ngoài luồng lẫn âm mưu đen tối của người trong cuộc. Ảnh: ANH TƯỞNG. |
Câu chuyện của Gia Vũ Yên Đăng buồn thê lương, lập lòe nhảy múa trong ánh sáng khi mờ khi tỏ của những chiếc đèn lồng đỏ.
Lão địa chủ Trần gia giàu có, giữ mãi một thói thời phong kiến cổ hũ, muốn có con trai nối dõi tông đường, nên mặc sức năm thê bảy thiếp. Bốn người vợ của ông, chẳng ai là người xấu cho đến khi bước vào Trần gia trang. Nhưng tất thảy đều không yêu ông, vì họ sớm nhận ra màn cưới hỏi chỉ như thay một chiếc áo.
Bà Cả Cẩm Tú (Thảo Vy đóng) đã 50 tuổi, sinh con gái đầu lòng bị Trần gia giết chết, với quan niệm quá ư lạc hậu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, tạm mang ý nghĩa chỉ cần một con trai là có, nhưng mười con gái vẫn là không có.
Mất đứa con mang nặng đẻ đau, bà Cả sinh lòng thù hận, bên ngoài quan tâm lo lắng cho các bà vợ kế của chồng, tay lần tràng hạt, miệng tụng niệm liên hồi, mà bên trong chứa cả một bồ dao găm.
Thảo Vy lột tả xuất thần vai bà Cả Cẩm Tú với nhiều âm mưu xảo quyệt che đậy bằng một tấm lòng nhân ái giả tạo. Ảnh: ANH TƯỞNG. |
Thảo Vy kể, đóng vai bà Cả trần ai lắm, do hoàn cảnh nội tâm phức tạp, phải đi đứng, biểu cảm nét mặt hay cúi gằm xuống để chứa đựng mưu mô, nói năng thật ngọt ngào để không ai hiểu bà đang toan tính những hàng động phi nhân trong đau khổ và hận thù.
Tuổi 23, lại nhập vai một bà vợ từng trải, nhiều thủ đoạn tối đen giấu trong một khuôn mặt thánh thiện, rất khó nghĩ Thảo Vy làm tròn trịa, cho đến khi cô gái trẻ vào vai bà Cả.
Gặp bà Ba Hồng Nhung (Như Ngọc đóng) đẹp đẽ, sành điệu, nhưng là một vũ nữ chính hiệu, do Trần gia cao hứng mang về từ vũ trường để hầu hạ thú vui xác thịt cũng rất lạ lùng.
Như Ngọc cao ráo, ưa nhìn, diễn nhập thần từ những câu thoại mát mẻ, chanh chua với hai bà vợ đồng cảnh ngộ, nhưng muốn thoát ra khỏi cái vòng kim cô gia cảnh quái ác.
Như Ngọc trong vai bà Ba luẩn quẩn trong cái vòng kim cô của Trần gia tự giải thoát mình với những cuộc trốn chạy với tình nhân... |
... chấp nhận cả cái chết luôn rình rập bởi người chồng tàn ác. Ảnh: ANH TƯỞNG. |
Như Ngọc lả lơi, say đắm với nhân tình Tứ Hải rất mùi mẫn, đấu trí trong một ván bài như đánh cược cả cuộc đời, hay quằn quại với cảnh rên xiết khi nhận đòn roi tàn bạo của Trần gia sành sõi hơn cái tuổi đời 24 của cô diễn viên trẻ.
Bà Tư Quế Anh (Bích Phượng đóng) trẻ xinh nhất, học cao nhất, tin người nhất, biết điều nhất, thật thà nhất trong nhà, ai nói gì nghe nấy.
Cả việc Trần gia hiểm độc bỏ tiền cứu cha bà thoát cảnh tù tội, mong mỏi đánh đổi một tình yêu mới lớn của với bà Tư. Đài từ thanh thoát, diễn cảm mượt mà của Bích Phượng ở nhiều phân đoạn làm người xem rúng động, nổi da gà. Phải mất nhiều thời gian rèn luyện kỹ lưỡng lắm, Bích Phượng 22 tuổi mới nhập tâm quên mình đến như thế.
Bích Phượng đa diện trong vai bà Tư và chàng thanh niên Tùng Bách lãng tử..
|
Bà Tư yêu tiếng sáo của con trai bà Hai đã mất, là cậu thanh niên Tùng Bách (Đang Trường đóng) cứ mỗi đêm lại ra ngồi len lén nghe bên cái giếng nước lắng nghe, để nhớ về cha mình.
Lâu dần, cả hai đem lòng quý mến nhau, trong bối cảnh Trần gia luôn nghi ngờ về thân thế Tùng Bách, không biết có phải con ruột của mình không. Do bán tín bán nghi nên ông cũng không yêu thương và quan tâm đến Tùng Bách.
Âm mưu, tình yêu và tội lỗi trong Gia Vũ Yên Đăng của những số phận éo le ở Trần gia nuôi dưỡng nhiều sân si, hận thù không có cách nào hóa giải, dẫn đến cái kết bi kịch trong nước mắt bên cạnh những tâm can ráo hoảnh.
Những diễn viên trẻ K24B cùng các bạn trợ diễn có một đêm thăng hoa cảm xúc trong "Gia Vũ Yên Đăng" dưới sự dàn dựng tài hoa của đạo diễn Ngọc Tưởng. Ảnh: ANH TƯỞNG. |
Bốn diễn viên chính là sinh viên K24B báo cáo tốt nghiệp cho thầy cô, sau ba năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, có lẽ cũng không ngờ mình có một đêm diễn xuất thần như thế.
Khán giả cũng khó quên những bạn bè trợ diễn, như Yến Nhi (vai Tiểu Thảo) nói giọng quê Phú Yên lắt lẻo rất nhuần nhuyễn; là một lão Trần gia hung ác, tham lam (Thành Đạt đóng) vẫn ẩn chứa nỗi niềm của người đi tìm mãi một tình yêu chân chính và hoàn hảo; là một gia nhân Tứ Hải (Tuấn Kiệt đóng) tàn nhẫn, mưu mẹo, yêu trong điên cuồng; là một Tư Nha (Thiên Phước đóng) chân thành, ngây ngây ngô ngô, thật thà chất phát.
Phía sau cánh gà của vở kịch Gia Vũ Yên Đăng – Tác giả: Hứa Mẫn – Đăng Nguyên (cảm tác từ tiểu thuyết "Thê Thiếp Thành Quần" của nhà văn Tô Đồng – Trung Quốc).
Đạo diễn Ngọc Tưởng kể: “Mình phụ trách một lớp học thật kỳ lạ. Ba bạn nữ đóng vai vợ Trần gia rất kiên cường và đam mê, nét diễn bằng hoặc vững vàng hơn các nơi khác. Vở kịch chỉ có bốn bạn nên ai cũng vất vả chạy ngược chạy xuôi lo thêm nhiều phần việc.
Cả tháng trời ròng rã tập luyệ, mình hơi “ác” một chút là đòi hỏi các bạn hơi cao về mặt cảnh trí, trang phục, đạo cụ, âm nhạc... sao cho nó phải chạm vào sự hoàn hảo, để khi ra đời, các bạn không còn bỡ ngỡ. Ba bạn nữ tháo vát nên hoan hỷ choàng luôn việc của bạn nam. Duy nhất nam nhân này lo lắng nhiều là… kiếm tiền hỗ trợ bạn mình và rất rộng lượng sau lần thi đậu vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.
Đạo diễn Ngọc Tưởng (bìa phải) cùng nhóm diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp. |
Thật ra, cách diễn thuở ban đầu của các bạn vẫn còn những nét thô cứng, rập khuôn, an toàn. Hai năm trời ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các bạn không diễn nhiều, lại gặp trục trặc với hai vở diễn tốt nghiệp dự tính trước kia. Các bạn dụng công và dụng tâm nhiều hơn sức của mình.
Bản thân mình chỉ hướng dẫn các bạn từ năm thứ hai và dần thay đổi từ lối diễn phải khác đi cách người ta diễn, biết phá cách để tạo dấu ấn cho riêng mình. Những gì mình may mắn học từ thầy – NSND Việt Anh, mình truyền đạt hết cho các bạn và mình tin bốn diễn viên trẻ sẽ còn tỏa sáng trong tương lai”.