Thậm chí một tờ báo mạng của Anh còn làm cuộc biểu quyết “bạn có ủng hộ hay không án phạt này” và bên cạnh là clip cú vào bóng ác nghiệt của Đình Đồng với cầu thủ Anh Hùng. Kết quả có 52,3% ủng hộ và 47,7% phản đối.
Nhưng cái án phạt thuộc loại kỷ lục của một giải bóng đá chính thống như V-League so với trên thế giới quả là hàng hiếm. Vì sao nó lại sinh ra một án phạt sốc thế này?
Nếu ngay từ những mùa trước, thậm chí là từ rất lâu rồi vấn đề bóng đá bạo lực trên sân luôn được để mắt đến và trừng phạt đích đáng thì liệu có xảy ra một án phạt lạ đời với nhiều điều kiện đi kèm cũng rất lạ đời. Có người còn đưa ra giả thiết với vết thương đấy, gia đình của Anh Hùng muốn đưa cầu thủ này ra nước ngoài chữa trị và thế là Đình Đồng phải thi hành án ấy cùng mức viện phí theo giá USD với mức quá hớp hay sao?
Một án phạt và đi kèm những lời giải thích rất lạ như cha “nạn nhân” Anh Hùng đã mất, mẹ yếu không lao động được nên phải áp án phạt đích đáng cho Đình Đồng (!?). Nghe thật buồn cười và nó chẳng có tí gì bóng dáng của một cơ quan luật pháp lẫn hành pháp của nền bóng đá một quốc gia cả.
Ba năm trước, cú vào bóng hiểm độc của Huy Hoàng dành cho Samson rồi bị phản đòn khiến phải đi cấp cứu cũng bị quy kỷ luật cào bằng không thuyết phục. Thậm chí là án phạt quá nhẹ với lý do người gây lỗi cũng đã nằm nhà thương nên có chi tiết giảm khiến bạo lực cứ leo thang ở đội bóng nổi tiếng chơi bạo lực.
Một nền bóng đá khó có thể nghiêm minh và kỷ cương nếu thiếu hành lang pháp lý bảo vệ cầu thủ lẫn nhau. Từ CLB không xem trọng chuyện giáo dục cầu thủ đến trách nhiệm của những người điều hành rồi sang một án phạt để chiều dư luận và chiều cả ông sếp bật đèn xanh.
Đó không phải là án phạt của kỷ cương mà là sự bất lực và hốt hoảng của những nhà làm luật.
TẤN PHƯỚC