Ăn Rau răm… nghĩ về nợ đời

Suốt 12 năm đằng đẵng, ông Năm Nhỏ (nghệ sĩ Thành Hội diễn), một người đàn ông quê mùa chất phác đã đi lang thang khắp các vùng chợ, bến phà tìm đứa con riêng của vợ bỏ nhà đi lạc năm tám tuổi. Cái cách nghệ sĩ Thành Hội diễn ân cần, tha thiết từng câu nói gọi đứa nhỏ thất tung tích là “em nó”, tỉ mẩn nâng niu cái bảng carton đeo trên cổ ghi “Cải ơi, má chờ”(ảnh) khiến những ai từng làm cha làm mẹ thắt lòng thắt dạ từng cơn.

Nhân vật Năm Nhỏ đã chạm vào thẳm sâu tình thương cha mẹ dành cho con cái với nỗi lo sợ thắt lòng chẳng may không biết đứa con nhỏ của mình đang sống như thế nào, có được no đủ, có được thương yêu hay bị đọa đày, đói rét ở nơi đâu đó. Mà ông Năm Nhỏ có phải là cha ruột của con Cải đâu. Ông chỉ là cha dượng đã nuôi nấng nó từ hồi còn ẵm ngửa. Ông cũng đâu có la mắng nó tội đi chăn trâu làm mất trâu, chỉ là nó sợ quá, tự bỏ nhà đi thôi mà…

Bao nhiêu lần ông Năm Nhỏ tự nói với mình là tôi đâu có làm đâu nhưng rồi ông vẫn tự dằn vặt và lặn lội khổ sở tìm con cho vợ suốt từng ấy năm trời. Bởi với ông, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều nợ gì đó những người xung quanh mình. Như ông nợ vợ và đứa con riêng của vợ những tháng ngày hạnh phúc. Ông nợ vợ tình cảm mẹ con bị chia cắt như ông nghĩ.

Do nghĩ như vậy, ông Năm Nhỏ không chỉ sống hết lòng, hết mực với vợ con mà ông còn sống tràn đầy tình thương yêu, bảo bọc những người ông vô tình gặp như thằng thanh niên tên Thàn bỏ nhà đi bụi, con nhỏ bán cà phê Diễm Thương… Bởi vậy, khi thằng thanh niên bỏ nhà đi bụi đời bán cà rem nói: “Tui có nợ nần ai đâu trong đời hả ông Năm”, ông Năm Nhỏ nhắc nó: “Ít nhất mày nợ ba má mày công sinh thành. Mày nợ ông chủ hàng cho mày lấy cà rem gối đầu bán mỗi ngày…”.

Ông Năm Nhỏ nói phải quá nên thằng bụi đời im, nó bắt đầu nghĩ về cha mẹ nó khi nó bỏ nhà đi. Còn người xem thì nghĩ về những điều tốt đẹp, tử tế trong đời, nghĩ về chuyện con người ta cần nên sống tử tế để đền đáp những điều tử tế dù cuộc đời có nghịch cảnh ra sao.

Kịch có những tình tiết, nhân vật rất bất ngờ, rất khác biệt, rất đau lòng. Nhưng kịch cũng mở cho người xem thấy cái kết “trả nợ đời” một cách công bằng cho cả người sống tốt lẫn người sống dã tâm để mọi người thấy lòng mình nhẹ đi, biết yêu hơn cuộc đời này, biết mở lòng cho nhau trước nghịch cảnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm