Diễn giả Hồ Nhựt Quang, một học trò của cố GS Trần Văn Khê, mang đến cho mọi người một chủ đề gần gũi về đặc trưng ngày tết cổ truyền dân tộc sắp đến.
Lễ vật ngày Tết ba miền phong phú
Diễn giả Hồ Nhựt Quang cho biết trong lễ vật ngày tết cổ truyền ba miền Việt Nam có những điểm chung và riêng nhưng tất cả đều hướng tới ý nghĩa kính nhớ tổ tiên.
Nếu miền Bắc phải mâm cao cổ đầy, chuẩn bị ít nhất có bốn bát, bốn đĩa gồm giò măng, miến, nấm mộc, bắt bóng thả, rồi chả quế, giò lụa, thịt gà, thịt heo. Nhất là phải có bánh chưng-bánh dày theo truyền thuyết Lang Liêu cùng cành đào đỏ thắm mang ý nghĩa cầu chúc điều tốt lành cho gia chủ trong năm mới.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang nói về nguồn gốc bánh tét, bánh ít trong ngày tết cổ truyền miền Nam.
Miền Trung có các món như tré, chả, nem hoặc thịt bò, thịt heo ngâm với nước mắm và đặc biệt là thịt luộc cuốn bánh tráng, thịt kho trứng, cá kho, gỏi mít. Hoa ngày tết có mai, đào, cúc, vạn thọ… Và trái cây thường nhiều màu sắc tượng trưng “Ngũ hành tương sinh” thay lời chúc tụng phúc lành đầu năm.
Còn miền Nam không thể thiếu canh khổ qua, thịt kho trứng, cá nướng, dưa kiệu. Ngoài ra, trên bàn thờ tổ tiên còn có cành mai, mâm ngũ quả với những trái cây chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, mà theo cách phát âm miền Nam là “cầu vừa đủ xài”; thêm chân đế ba trái thơm (dứa) thể hiện sự vững vàng.
Đặc biệt, cả ba miền Nam, Bắc và Trung đều có chưng quả dưa hấu theo truyền thuyết Quả dưa hấu - Mai An Tiêm thời Hùng Vương.
Bên cạnh mâm cơm ngày tết với đủ món ngon thì việc cả gia đình quây quần bên bếp lửa canh nồi bánh tét hoặc bánh ít đêm xuân càng thú vị.
Theo ông Quang, trong 64 quẻ Kinh dịch, có bánh ít (tên quẻ Phong Lôi Ích), bánh tét (tên biến âm quẻ Thủy Trạch Tiết), cả hai đều mang ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa. Ngoài ra, bánh tét phải luôn kết một cặp để tượng hình chữ Tiết, bánh ít gói theo hình tam giác như tượng hình chữ Ích theo Hán Nôm.
Sâu sắc triết lý “Đông bình Tây quả”
Việc đặt bình bông, đĩa trái cây theo phương hướng nào cho đúng nhận được nhiều sự quan tâm. Theo truyền miệng của người xưa, đặt theo “Đông bình Tây quả” vẫn còn tạo sự nhầm lẫn giữa phương hướng thực tế của la bàn và phương hướng trong tâm tưởng.
Các nhân viên Công ty Pierre Fabre Việt Nam tự bài trí đồ cúng trên bàn thờ cổ truyền.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang giải thích: “Dân ta từ Bắc vào trong Nam khai khẩn sinh sống, lập cái bàn thờ ở đây là chúng ta tọa Nam hướng Bắc, hướng trước mặt ta khi cúng là hướng Bắc, sau lưng là hướng Nam, do vậy bên phải là Đông, bên trái là Tây. Việc đặt đĩa trái cây và bình bông cho phù hợp cũng bày tỏ cái tấm lòng nhớ về nguồn cội”.
(Người miền Nam và miền Trung hay nói gọn là Đông qua-Tây quả, qua tức phát âm trại của hoa).
Dân ta lựa ngày Ngũ Phúc cuối cùng của năm là 23 tháng Chạp (Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh theo triết lý nhị phân 2+3 = 5) để làm lễ cúng tiễn ông Táo bay về trời. Ngày 30 rước ông Táo về mang ý nghĩa rước lửa mới. Ta cúng ông Táo bằng xôi chè ngọt và tiễn ông Táo bằng cá chép, khác với Trung Quốc cúng bánh bao và cúng “cò bay, ngựa chạy”.
Sau khi cúng rước ông bà, cả nhà háo hức chờ đón đêm giao thừa và rồi “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy”, vui chơi tiệc tùng, thăm viếng họ hàng bà con. Đặc biệt, mùng 3 tết thường cúng gà nguyên con vì gà tượng trưng giá trị của ngũ đức (văn - võ - nghĩa - tín - dũng). Người dân cũng không quên dán giấy đỏ lên miệng giếng nước và dưới gốc cây để tượng trưng “mộc bổn - thủy nguyên - nhân tổ” nhắc nhở con cháu không quên nguồn cội tổ tiên.
Nhân viên Công ty Pierre Fabre Việt Nam thi viết chữ thư pháp chúc xuân.
Chị Trần Thị Minh Tâm, Giám đốc nhân sự Công ty Pierre Fabre Việt Nam, chia sẻ: “Những tiệc tất niên năm trước thì công ty thường tổ chức các chương trình ca nhạc, riêng năm nay muốn làm cái gì đó mới hơn để các thành viên vừa họp mặt, ăn uống, trò chuyện, vừa được nghe nói chuyện văn hóa, đặc biệt là khi Tết cổ truyền sắp đến. Sau khi nghe diễn giả trình bày, cảm thấy chương trình rất bổ ích, có những điều tưởng chừng đã biết, đã nghe đâu đó trong cuộc sống nhưng hôm nay mới được tìm hiểu sâu sắc”.