Chiều 6-12, tại Trường THPT Hùng Vương, quận 5, TP.HCM đã diễn ra vòng chung kết cuộc thi thiết kế và vận hành mô hình tàu ngầm “chinh phục đại dương”. Cuộc thi nằm trong chương trình học tập liên môn vật lý- tin học.
Hơn 700 học sinh hào hứng tham gia
Sau 2 tuần phát động, cuộc thi đã thu hút 140 đội đăng ký dự thi và các hình thức điều khiển tàu ngầm khác nhau. Cuộc thi thu hút hơn 700 học sinh tham gia.
Sáng nay vòng sơ loại đã diễn ra suốt 4 tiếng đồng hồ với cuộc đua gay cấn mới chọn ra được 16 đội vào vòng chung khảo chiều nay.
Sân trường Hùng Vương được chia thành 3 khu vực gồm khu vực thi đấu, khu vực mô hình dự thi và khu vực hỗ trợ kỹ thuật.
Trước khi bước vào phần thi vận hành, ban tổ chức đã chấm giải thiết kế để tìm ra mô hình tàu ngầm đẹp nhất.
Phần thi vận hành được chia làm 2 bảng với 16 đội. Trong đó bảng A là tàu ngầm điều khiển từ xa RC còn bảng B là tàu ngầm điều khiển bằng điện thoại thông minh.
Bước vào vòng thi đấu, không khí trên sân nóng hơn bao giờ hết. Các mô hình tàu ngầm dưới sự điều khiển của đội thi chạy đua quyết liệt về đích trong tiếng reo hò, cổ vũ nhiệt tình của các bạn.
Xuất sắc vượt qua các đội thi, mô hình tàu ngầm được lấy ý tưởng từ chai tương ớt của nhóm học sinh lớp 12A20 đã xuất sắc giành giải nhất tàu ngầm điều khiển bằng điện thoại thông minh, đồng thời giành quán quân của cuộc thi.
Mô hình tàu ngầm được thiết kế từ các vật dụng tái chế như hộp keo, chai yakul và chai tương ớt được sử dụng làm mũi tàu để rẽ sóng nhanh hơn.
“Nhóm mất nhiều thời gian để thực hiện. Trải qua nhiều lần thất bại mới có thể thiết kế mô hình như hôm nay. Cuộc thi giúp em rèn tính kiên nhẫn cũng như khả năng sáng tạo vì ít ai có thể nghĩ dùng chai tương ớt làm mũi tàu” – Phạm Nguyễn Thanh Như, một thành viên của nhóm, bày tỏ.
Bất ngờ trước sản phẩm của các em
Thầy Lê Thành Trung, Tổ trưởng chuyên môn tổ vật lý, cho biết cuộc thi được lên ý tưởng khi giáo viên Trường THPT Hùng Vương có dịp đến thăm Trung đoàn Tàu ngầm 196. Từ đó, các thầy cô đã lên kế hoạch thực hiện cuộc thi thiết kế mô hình tàu ngầm chinh phục đại dương. Cuộc thi ngoài việc giúp các em củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng còn bồi đắp tình yêu biển đảo.
Theo thầy Trung, trong cuộc thi này, với môn vật lý, học sinh áp dụng định luật Acsimet, định luật pascal, sự nổi và chìm, cấu tạo của thân tàu để thiết kế. Còn môn tin học, các em sẽ kết hợp mạch điều khiển sử dụng bluetooth để điều khiển bằng điện thoại thông minh hoặc R/C.
Là khách mời của cuộc thi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Dương, Chính ủy Trung đoàn Tàu ngầm 196, cảm thấy vui mừng khi được về thăm trường và vinh dự tham dự cuộc thi.
"Cuộc thi thể hiện năng lực trí tuệ và kiến thức khoa học đam mê của tuổi trẻ. Chúng tôi hy vọng 3.000 học sinh của trường sau này sẽ trở thành thuyền trưởng hay kiến trúc sư đóng góp sức mình cho nền khoa học đất nước" - ông Dương nhấn mạnh.