Sau sự việc cháu bé 14 tháng tuổi ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị con khỉ cắn gây chấn thương sọ não vào cuối tháng 6 vừa qua, nhiều bạn đọc thắc mắc là khỉ đó từ đâu ra, nuôi khỉ trong nhà thì có bị xử lý gì hay không, số phận con khỉ ra sao...
Xém bị phạt trên 5 triệu đồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lâm Tùng Quế, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết: “Con khỉ cắn cháu bé vừa qua ở Bình Chánh là loài khỉ đuôi dài, giống đực, nặng 7 kg, khoảng ba năm tuổi”.
Theo ông Quế, con khỉ nói trên sống trong khu rừng thuộc huyện Bình Chánh và đi lạc vào khu dân cư. Sau khi bắt về, chủ nhà đã nuôi con khỉ để làm cảnh và nhốt trong chuồng. Khi xổng chuồng, con khỉ chạy qua nhà hàng xóm và cắn cháu bé.
“Sau đó, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã đưa con khỉ này vào Trạm Cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM (huyện Củ Chi) nhốt cách ly 100 ngày để theo dõi bệnh dại. Nếu không có gì bất thường, con khỉ sẽ được thả chung với đàn khỉ trong rừng” - ông Quế nói.
Ông Quế cho biết: Theo điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 157/2013, chủ nuôi con khỉ này sẽ bị phạt vi phạm hành chính trên 5 triệu đồng. Tuy nhiên, vì ông chủ nuôi con khỉ này đã bồi thường toàn bộ chi phí khám chữa bệnh, tích cực lo chữa trị cho cháu bé nên chi cục chỉ nhắc nhở, yêu cầu không tái phạm chứ không ra quyết định xử phạt hành chính.
Con khỉ cắn cháu bé 14 tháng tuổi đã được nhốt cách ly. Ảnh: CHI CỤC KIỂM LÂM TP.HCM
Khi xổng chuồng là khỉ tìm người tấn công
Ông Quế cho biết không ít người tìm mua khỉ về nuôi nhằm mục đích trị… ban khỉ cho con. Họ tin rằng khỉ nuôi sẽ hút hết ban khỉ trong người và con mau hết bệnh. “Tuy nhiên, ban khỉ có dứt hay không thì không biết nhưng rất nhiều nguy cơ từ việc nuôi khỉ gây ra”- ông Quế nói. Cụ thể như sau:
- Một là tình trạng hôi hám, gây ô nhiễm môi trường do phân, nước tiểu… khỉ.
- Hai là do bị nhốt nên khỉ dễ rơi vào trạng thái ức chế tâm sinh lý. Một khi xổng chuồng là khỉ tìm người tấn công. Đến mùa sinh sản khỉ càng hung dữ hơn, tìm cách phá chuồng ra ngoài tìm bạn tình và tấn công con người.
- Ba là nuôi khỉ trong nhà còn có nguy cơ lây lan mầm bệnh dại.
Người bị khỉ cắn dễ có nguy cơ mắc bệnh dại nên khi bị khỉ cắn thì cách xử trí cũng tương tự bị chó cắn. “Khi bị khỉ tấn công phải thật bình tĩnh, nhẹ nhàng xua đuổi. Tuyệt đối không phản ứng mạnh, không hò hét. Nếu không, khỉ hoảng sợ và càng kích động tấn công người hơn” - ông Quế lưu ý.
“Do nuôi khỉ trong nhà dễ gây nhiều nguy hại nên Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thường xuyên vận động các hộ dân không nên nuôi. Vì vậy, bình quân mỗi năm chi cục tiếp nhận khoảng 20 con khỉ (phần lớn là khỉ đuôi dài) từ các hộ dân. Số khỉ này sau đó được chuyển đến Trạm Cứu hộ động vật hoang dã TP.HCM để chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên” - ông Quế nói.
Những vụ tai nạn do khỉ gây ra - Tháng 6-2017, tại Nam Từ Liêm (Hà Nội), một con khỉ đực trưởng thành đã đột nhập vào nhà và tấn công cháu bé hai tháng tuổi. Rất may cháu bé chỉ bị cào xước vùng da đầu và má. - Tháng 2-2013, một gia đình ở huyện Mê Linh, Hà Nội phát hoảng khi thấy con khỉ nuôi trong nhà xổng chuồng và leo lên người cô gái 21 tuổi ở cạnh nhà. Con khỉ đã xé quần áo của cô gái này. - Tháng 12-2010, trong lúc dắt khỉ nuôi đi chơi, ông NMX (tỉnh Gia Lai) bất ngờ bị con khỉ này tấn công vào chân đến mức phải nhập viện cấp cứu. Con trai ông X. chạy ra giải cứu cũng bị con khỉ cắn vào mu bàn tay. Làm gì có ban khỉ Ban không phải là bệnh mà là tên dân gian của một bệnh lý. Ban là triệu chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Nhiều nguyên nhân gây ra ban như dị ứng, sởi (ban sởi)… Do vậy, khi bị ban cần đến bác sĩ khám và điều trị. Tôi chưa từng nghe… ban khỉ. Cũng chẳng có cơ sở khoa học cho rằng khỉ trị được… ban khỉ. TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM |