Gặp nhau bên trời biển Đông thắm duyên” (ca khúc Hội trùng dương của nhạc sĩ Phạm Đình Chương). Vì sao 60 năm sau ngày ra đời nhạc phẩm này, người Việt thỉnh thoảng vẫn còn kỳ thị lẫn nhau?
Chủ đề bất phân thắng bại
Một loạt sự việc diễn ra trong thời gian ngắn tựu trung đều xoay quanh một vấn đề gây tranh cãi bất phân thắng bại: Đặc trưng vùng miền tại Việt Nam. Gần đây nhất, dư luận xôn xao trước việc xuất hiện một biên tập viên nói giọng Huế trong bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Ngay lập tức, một nữ phát thanh viên kỳ cựu đăng đàn cho rằng nhà đài phải chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội để đảm bảo sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông.
Trước đó, một bài báo về chuyện trai Bắc chê gái miền Nam khiến công luận bất bình khi tác giả phủ nhận những đức tính tốt đẹp của phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, một cựu du học sinh đã “gây bão” với phát ngôn lý giải một trung tâm thương mại tại Hà Nội vắng khách vì chỉ Sài Gòn mới có lượng đối tượng mua hàng xa xỉ đáng kể và rằng con gái Hà Nội nhìn khả năng kiếm tiền để yêu và tiết kiệm giúp người mình yêu, còn con gái Sài Gòn nhìn tài sản để yêu và xài giúp…
Khi những sự việc nêu trên được chia sẻ trên mạng xã hội, người ta ghi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Phần đông ý kiến đều theo mô tuýp người miền nào nhảy vào bênh vực dân miền ấy hết lời, đồng thời chê bai thậm tệ những kẻ khác địa phương. Và trong cuộc cãi vã không có hồi kết ấy, chẳng ai có thể nhận phần thắng về phía mình. Thay vì đóng góp ý kiến theo hướng tích cực và nhìn thẳng vào vấn đề, những người tham gia tranh luận chỉ căn cứ vào đặc trưng vùng miền để “ném đá” lẫn nhau.
Một số cá nhân còn đi xa hơn bằng cách lập hội trên Facebook để lôi kéo người khác ủng hộ “phong trào” nhà tuyển dụng kỳ thị dân Thanh Hóa, gái Nam chê trai Huế… Thói nhận thức lệch lạc này khiến người nước ngoài nhìn vào các cuộc khẩu chiến trên mạng sẽ thấy dân Việt Nam đang chia rẽ vì những chuyện hết sức cỏn con. Thử hỏi cùng là người Việt với nhau mà còn hơn thua tính địa phương theo kiểu đó thì làm sao có thể đoàn kết đóng góp cho đất nước giàu mạnh, chống giặc ngoại xâm khi sơn hà nguy biến?
Thôi đừng hẹp hòi
Trở lại với chuyện phân biệt vùng miền ở Việt Nam, nếu có dịp lần giở lịch sử, chúng ta sẽ thấy vấn nạn này đã tồn tại từ hàng thế kỷ trước và tiền nhân đã có cách giải quyết cực kỳ nghiêm khắc. Theo sách Đại Nam thực lục, vua Minh Mạng đã từng ban một bản dụ với triều thần rằng: “Người Nam người Bắc, miễn có tài là được dùng, muốn cho họ gom công góp sức, kính cẩn giúp việc. Đến như truất bỏ hay thăng chức chỉ nhằm vào người đó hay hay dở, thưởng phạt chỉ tùy người đó có công hay có tội, chứ chẳng vì Bắc hay Nam mà đối xử khác nhau... Sau một phen này, đã thiết tha dụ bảo rõ ràng, nếu còn phân biệt kia khác, người Nam còn có khí thế hợm mình mà khinh miệt người Bắc; người Bắc còn có lòng oán vọng mà dị nghị người Nam, cùng nhau hục hặc lôi thôi điều nọ tiếng kia, khi bị phát giác ra thì sẽ chịu tội nặng thêm một bậc”.
Điều trăn trở của vua Minh Mạng không chỉ là nỗi lo lắng của thời bấy giờ mà đến tận hôm nay vẫn mang ý nghĩa thời sự sâu sắc. Sở dĩ chúng tôi phải dẫn lại sử trong bài viết này cũng không ngoài một lời nhắc: Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, đừng vì suy nghĩ hẹp hòi của cá nhân mà hơn thua chuyện bản sắc vùng miền, bạn nhé!
BENJAMIN NGÔ