2 dấu hiệu để nhận biết tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác trong thời đại công nghệ như hiện nay khiến nhiều người không khỏi bức xúc và mệt mỏi.

Mặc dù hầu như ai trong số chúng ta cũng đã ít nhất một lần nhận được tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác nhưng rất ít người có thể phân biệt được đâu là tin nhắn, cuộc gọi rác; đâu là tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo thông thường.

Từ đó dẫn tới câu chuyện nhiều người đã chặn luôn các tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo và có thể đã bỏ lỡ những cơ hội mang lại lợi ích cho mình.

Cách phân biệt tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo và tin nhắn, cuộc gọi rác

Bạn đọc Trần Văn An (TP.HCM) cho biết mình thường xuyên được nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm với nội dung: “Xin chào, có phải bạn đang muốn tìm công việc không. Với mức lương là 6tr-36tr mỗi tháng với công việc hoàn toàn hợp pháp và đảm bảo thu nhập. Mỗi ngày bạn nhận thấp nhất 800k, kiếm tiền tại nhà đơn giản. Nếu như bạn có nhu cầu vui lòng liên hệ zalo ID :8416380xxxx”.

Theo anh An mặc dù không có nhu cầu, cũng không hề lên mạng tìm kiếm việc làm nhưng không hiểu từ đâu những người nhắn tin lại có số điện thoại của anh để nhắn tin tới liên tục như vậy.

Mặc dù không có nhu cầu nhưng anh An liên tiếp nhận được những tin nhắn quảng cáo việc làm. Ảnh: ĐẶNG LÊ

“Không chỉ nhận tin nhắn từ những số lạ mà ngay cả tin nhắn từ các nhà mạng như Viettel, Mobiphone tôi cũng thường xuyên nhận được tin nhắn quảng cáo. Nhận tin nhắn liên tục như vậy khiến tôi rất khó chịu. Chính vì vậy trong suy nghĩ của tôi hiện nay bất kỳ tin nhắn quảng cáo nào gửi tới cũng đều là tin nhắn rác”- anh An chia sẻ.

Bức xúc hơn, chị Nguyễn Thị Hiền (TP.HCM) cho biết tin nhắn rác gửi tới thì không nói nhưng bản thân thường xuyên bị người số lạ gọi tới để quảng cáo bán bảo hiểm, giới thiệu bất động sản.

“Nghe thì bị quảng cáo, nhiều khi không nghe thì lại sợ bỏ lỡ cuộc gọi của khách hàng, đối tác. Do đó tôi không biết đâu là cuộc gọi rác đâu là cuộc gọi bình thường”- chị Hiền bày tỏ.

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều bạn đọc gửi đếnPLO thắc mắc rằng không định hình được đâu là một tin nhắn quảng cáo hợp pháp đâu là tin nhắn quảng cáo rác.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Luật sư Đỗ Thanh Trung, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết để phân biệt được tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo rác so với tin nhắn cuộc gọi quảng cáo đúng quy định thì người tiêu dùng cần dựa vào 2 tiêu chí sau:

 Thứ nhất, dựa vào cấu trúc của tin nhắn nhận được.

Theo Điều 15, Nghị định 91/2020 thì một tin nhắn quảng cáo đúng quy định là tin nhắn phải được gán nhãn ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung của tin nhắn. Ví dụ tin nhắn quảng cáo phải có dạng [QC]…hoặc [AD]…

Bên cạnh yêu cầu một tin nhắn quảng cáo phải có gán nhãn thì phần cuối trong nội dung tin nhắn quảng cáo gửi tới phải có thông tin hướng dẫn người dùng cách huỷ/từ chối nhận tin nhắn quảng cáo. Ví dụ: "[QC] vay 50 trieu VND tại TPFico...De tu choi nhan quang cao soan TC TPFico gui 9242".

Anh Trần Văn An rất bức xúc khi thường xuyên nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm trong khi anh không có nhu cầu. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Thứ hai, ngoài dấu hiệu về gán nhãn thì một tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đúng quy định phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản như:

- Chỉ được gửi tin nhắn trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày, gọi điện thoại quảng cáo từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng.

- Mỗi người quảng cáo không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo tới một số điện thoại; quá 1 cuộc gọi điện thoại quảng cáo tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người sử dụng.

Trường hợp người sử dụng từ chối nhận quảng cáo hoặc không trả lời sau khi nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên. Người quảng cáo không được phép gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nào đến số điện thoại đó.

- Đơn vị quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người sử dụng nhận các tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo hoặc thực hiện gọi điện thoại quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người sử dụng.

Do đó, căn cứ vào các dấu hiệu nhận biết trên người dân có thể phân biệt đâu là tin nhắn, cuôc gọi quảng cáo rác. Đâu là tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo đúng quy định.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý hiện nay có một số tin nhắn, quảng cáo mặc dù đảm bảo các quy định gán nhãn, về thời gian, số lượng nhưng vẫn bị coi là tin nhắn rác khi gửi những quảng cáo vi phạm các điều cấm của luật Quảng cáo, luật An ninh mạng, luật Viễn thông…

Có thể kể đến một số tin nhắn quảng cáo vẫn bị coi là tin nhắn rác như: Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội; quảng cáo xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân…

Cách chặn tin nhắn, cuộc gọi rác 

Cũng theo Luật sư Trung theo quy định hiện nay người dân có ba cách để chặn/từ chối nhận các tin nhắn, cuộc gọi rác.

Cách thứ nhất, đối với các tin nhắn quảng cáo, trong cấu trúc của mỗi tin nhắn quảng cáo đều có thông tin hướng dẫn từ chối nhận quảng cáo trong phần cuối cùng của nội dung quảng cáo. Do đó, nếu không có nhu cầu nhận quảng cáo nữa thì người dân có thể làm theo hướng dẫn có trong tin nhắn quảng cáo để từ chối nhận.

Trong mỗi tin nhắn quảng cáo đều có hướng dẫn người dùng cách huỷ/từ chối nhận quảng cáo. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Với cách này thì người dân không thích quảng cáo nào thì từ chối nhận quảng cáo từ đơn vị đó. Việc từ chối nhận quảng cáo được thực hiện thủ công. Ví dụ có 10 đơn vị gửi tin nhắn quảng cáo tới thì nhắn 10 tin trả lời từ chối nhận tin.

Cách thứ hai, đối với những tin nhắn, cuộc gọi rác (quảng cáo không đúng quy định) thì người dân cần phản ánh những tin nhắn, cuộc gọi rác này tới tổng đài 5656 để cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và ngăn chặn.

 

Cách phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Phản ánh, cung cấp các bằng chứng tin nhắn rác

Soạn tin nhắn phản ánh theo cú pháp: S [Nguồn phát tán][Nội dung tin nhắn rác] hoặc S (nguồn phát tán)(Nội dung tin nhắn rác) gửi 5656.

Bên cạnh đó, người dùng có thể phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn, qua tổng đài hoặc ứng dụng.

Phản ánh, cung cấp các bằng chứng cuộc gọi rác

Cách soạn tin với cú pháp: V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác] hoặc V (Nguồn phát tán)(Nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656.

Bên cạnh đó, người dùng có thể phản ánh theo hướng dẫn tại website thongbaorac.ais.gov.vn, qua tổng đài hoặc ứng dụng.

Cách thứ ba, là sử dụng "Danh sách không quảng cáo" (DoNotCall). Đây là tập hợp số điện thoại đăng ký không chấp nhận bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo, tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo nào. Tức nếu một người đăng ký vào danh sách này thì sẽ không nhận được bất kỳ tin nhắn hay cuộc gọi điện quảng cáo nào.

Người dùng chỉ cần soạn tin theo cú pháp: DK DNC gửi 5656 (miễn phí). Ngược lại nếu muốn rút ra khỏi danh sách này thì soạn tin theo cú pháp: HUY DNC gửi 5656.

"Danh sách không quảng cáo" được cho là cách chặn/từ chối nhận quảng cáo hiệu quả nhất vì chỉ cần đăng ký số điện thoại của mình vào danh sách này thì người dùng sẽ không có bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi quảng cáo nào được gọi tới. Tuy nhiên, với cách này, bạn có thể bỏ qua một số tin nhắn quảng cáo có nội dung cần thiết cho bản thân.

Tóm lại khi nhận được một tin nhắn, cuộc gọi, thư điện tử rác người dùng có thể gửi phản ánh qua đầu số 5656 (với cú pháp như hướng dẫn ở trên) hoặc phản ánh thông qua website: https://thongbaorac.ais.gov.vn để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.

 Các mức phạt nếu vi phạm

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu có hành vi gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng nếu có hành vi thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng hoặc có hành vi gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng.

Phạt tiền từ 60-80 triệu đồng nếu có hành vi gửi bất kỳ tin nhắn đăng ký quảng cáo nào đến các số điện thoại nằm trong "Danh sách không quảng cáo".

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng nếu có hành vi gửi tin nhắn quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến các số điện thoại nằm trong "Danh sách không quảng cáo".

Các mức phạt trên áp dụng đối với tổ chức vi phạm, nếu cá nhân vi phạm mức phạt tiền bằng 1/2 của tổ chức.

Điều 32, Nghị định 91/2020 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm