Bình luận sai về COVID-19: Phạt theo mức nào?

Trên số báo trước, chúng tôi có ghi nhận việc Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đã xử phạt bà Y. 7,5 triệu đồng về lỗi đăng bình luận (comment) sai sự thật về dịch bệnh COVID-19. Theo đó, cũng là hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội (MXH) và cùng căn cứ vào Nghị định 174/2013 để xử phạt nhưng Hậu Giang đã làm khác với các nơi. Nếu các tỉnh, thành khác dựa vào điểm a khoản 3 Điều 64 để xử phạt cá nhân 12,5 triệu đồng thì Hậu Giang lại dựa vào điểm g khoản 3 Điều 66 của nghị định trên để ra mức phạt thấp hơn.

Giải thích thêm, ông Đặng Hiếu Trung, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, cho biết bà Y. đăng comment chứ không phải là đăng dòng trạng thái (status), cụ thể là bà đã sử dụng tài khoản Facebook của chồng để comment. Do Điều 64 được áp dụng khi cá nhân, tổ chức vi phạm tại trang thông tin điện tử của mình nên Hậu Giang không thể xử phạt bà Y. theo Điều 64, mà phải theo Điều 66.

Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang đang làm việc với bà Y.  (khoanh tròn) về việc viết thông tin sai. Ảnh: ANH HÀO

Sự khác nhau giữa hai quy định của Nghị định 174/2013

Theo điểm a khoản 3 Điều 64 thì các cơ quan chức năng có quyền phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Theo điểm g khoản 3 Điều 66 thì các cơ quan chức năng có quyền phạt tiền 10- 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.

Do hai mức phạt tiền này dành cho tổ chức nên đối với cá nhân sẽ là 1/2. 

Theo chúng tôi, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đã áp dụng chưa đúng điều khoản của Nghị định 174/2013, dẫn đến việc xử phạt chưa phù hợp.

Về trang thông tin điện tử của cá nhân, khoản 4 Điều 20 Nghị định 72/2013 (quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng) quy định rõ: “Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ MXH để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó…”. Như vậy, với quy định này thì tài khoản MXH của cá nhân cũng chính là trang thông tin điện tử của cá nhân.

Trên cơ sở đó, việc xác định bà Y. sai gì sẽ căn cứ vào việc bà cung cấp thông tin sai sự thật trên Facebook, không phân biệt là bà viết status hay comment và cũng không cần phân biệt đó có phải là Facebook của chính bà hay không vì pháp luật không yêu cầu. Thay vào đó, các cơ quan chức năng được quyền áp dụng theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013 để xử phạt người trực tiếp đăng thông tin sai.

Đáng lưu ý hơn, theo điểm g khoản 3 Điều 66 thì hành vi bị điều chỉnh là “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”. Nếu bà Y. đăng comment không nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc… ai thì việc phạt bà theo điều khoản này là không phù hợp.

Tóm lại, vào thời điểm này, nếu cá nhân đăng thông tin sai sự thật trên Facebook thì xử phạt theo điểm a khoản 3 Điều 64; nếu cá nhân đăng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc người khác thì mới xử phạt theo điểm g khoản 3 Điều 66.

Quy định mới rõ ràng hơn

Từ đề mục của Điều 64 Nghị định 174/2013 là “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp” mà nhiều nơi đã có băn khoăn trong việc dẫn chiếu để xử phạt các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên MXH.

Nay Nghị định 15/2020 (sẽ thay thế cho Nghị định 174/2013 từ ngày 15-4 tới đây) có sự rõ ràng hơn. Nghị định này có Điều 101 điều chỉnh “vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ MXH”. Theo đó, hành vi lợi dụng MXH để thực hiện việc “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” bị phạt tiền 10-20 triệu đồng (điểm a khoản 1).

Hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” cũng có mức phạt tương tự (điểm g khoản 3 Điều 102).

So ra, mức phạt tiền dành cho hai hành vi là bằng nhau chứ không còn cao, thấp như nghị định hiện hành. Tất nhiên, do cả hai là mức phạt dành cho tổ chức nên đối với cá nhân sẽ là 5-10 triệu đồng. 

Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cũng từng băn khoăn

Theo ông Đặng Hiếu Trung, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang, đây là lần đầu tiên địa phương này áp dụng Nghị định 174/2013 để xử phạt hành vi đưa sai thông tin trên MXH. Trước đó, Hậu Giang có phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa đến mức phải xử lý hành chính. Khi nghiên cứu Nghị định 174/2013, Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang cũng có băn khoăn về việc xử phạt theo Điều 64 hay Điều 66 của nghị định này. Sau khi trao đổi với các đơn vị liên quan, số ý kiến thống nhất áp dụng Điều 66 chiếm tỉ lệ cao hơn.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…