Ban hành văn bản kém là lãng phí nguồn lực

Ông Michael Foster, quyền Giám đốc USAID Việt Nam, nhấn mạnh tại hội thảo tập huấn “Quy định tốt hơn để tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 19-5.

Ông Scott Jacobs, Cố vấn thể chế cao cấp của dự án USAID/VNCI, cho biết số lượng văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam ngày càng gia tăng. Lượng văn bản tăng nhiều vào năm 2009 với hơn 8.500 văn bản, trong khi cùng thời điểm này, ở Mỹ chỉ có 1.500 văn bản. “Đằng sau mỗi văn bản này chính là những tác động liên quan đến các khoản chi phí ảnh hưởng đến hàng loạt các vấn đề về đầu tư, thu nhập, việc làm…” - ông Scott Jacobs nói.

Vì vậy, bất cứ văn bản nào trước khi ban hành cũng cần phải qua bước đánh giá tác động (RIA). “Việc thực hiện RIA đầy đủ ước tính sẽ phát sinh chi phí khoảng 500 USD nhưng sẽ tiết kiệm được cho khối tư nhân gấp nhiều lần số tiền này nhờ một hệ thống thể chế ít gánh nặng hơn và hiệu quả hơn” - ông Scott Jacobs nhận định.

Bà Võ Lan Phương, Cố vấn cao cấp về cải cách thể chế của dự án USAID/VNCI, cho hay thực trạng soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay ít coi trọng RIA, hoặc nếu có cũng thực hiện một cách sơ sài, chỉ đánh giá những tác động tích cực mà ít đánh giá đến các tác động tiêu cực của quy định. Hầu hết phản ứng của các bộ, ngành khi thực hiện RIA là không thích. Trong khi đó, RIA mới chính là linh hồn của các văn bản, quan trọng hơn cả dự thảo.

“Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật không phải để tạo ra những văn bản mới mà là để giải quyết một vấn đề xã hội. Vì vậy, không phải có nhiều văn bản là tốt hơn mà điều này còn có thể làm cho nền kinh tế kém đi” - ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng CIEM, nhấn mạnh.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm