Có lẽ sự kiện này có liên quan thiết thực đến nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt có tác động lớn đến giá trị tinh thần của mỗi người nên đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bạn đọc.
Đốt pháo hoa gây lãng phí
Rất nhiều bạn đọc bày tỏ việc tổ chức bắn pháo hoa gây lãng phí quá lớn trong khi đất nước vẫn còn nghèo. Số người nhận được giá trị tinh thần từ việc này mang lại là quá ít, trong khi số người không được thưởng thức “pháo hoa tiền tỉ” lại quá nhiều. Theo các ý kiến này, số tiền phải chi ra cho việc tổ chức bắn pháo hoa sẽ giúp được rất nhiều người, xây dựng được trường lớp và nhà tình thương… Những việc này thiết thực hơn nhiều so với việc tổ chức bắn pháo hoa như hiện nay.
Bạn Nguyễn Đình Phương phân tích: “Có bao nhiêu người được xem bắn pháo hoa trực tiếp? Bạn hãy làm phép tính chia chi phí bắn pháo hoa cho số người xem trực tiếp để biết có lãng phí không. Số tiền đó sẽ giúp được nhiều người không có điều kiện hưởng tết, tết sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn và sẽ nhận được sự đồng tình của nhiều người”.
“Quá lãng phí trong khi nhiều trẻ em cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Để tiền xây dựng trường lớp vùng cao, vùng sâu, vùng xa, xây cầu cống, nhà tình thương là thiết thực và hợp lý nhất” - bạn Nguyễn Thức tính toán.
Những bạn đồng tình với quan điểm này còn cho rằng năm nào cũng bắn pháo hoa một địa điểm cũng gây một sự bất công giữa thành thị và nông thôn. Trong khi nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa toàn phải xem pháo hoa từ truyền hình thì dân ở TP lại phát ngán vì năm nào cũng được coi pháo hoa. Ngoài ra, có địa phương thì tổ chức bắn pháo hoa ở nhiều điểm (như Hà Nội có 31 điểm) trong khi nhiều địa phương khác thì lại không có. Như thế là tạo ra sự bất bình đẳng giữa người dân ở địa phương này với địa phương khác.
Niềm vui của người dân khi xem những chùm pháo hoa đẹp mắt trong thời khắc giao thừa. Ảnh: TIẾN TÂN
Khảo sát nhanh của PLO cho thấy số lượng người không đồng tình với việc bắn pháo hoa là khá cao. Đồ họa: THẾ QUANG
Không lẽ giao thừa thì... đắp chăn ngủ?!
Tuy nhiên, cũng có không ít bạn đồng tình tết là phải có pháo hoa, việc bắn pháo hoa đúng là có gây tốn kém về tiền bạc nhưng lợi ích tinh thần mang lại là rất lớn. Nếu ngại tốn kém thì… cũng nên bỏ luôn tết cho rồi.
Bạn Lê Trung góp ý: “Bắn pháo hoa là một việc làm tương đối tốn kém nhưng lợi ích về tinh thần không ai đo đếm được. Những người không ủng hộ cho rằng nên dành tiền cho việc này, việc khác để có ý nghĩa nhân văn nhưng các vị có nghĩ cho những người khác cũng cần được hưởng một chút ít không khí tưng bừng sau một năm vất vả để có thêm niềm vui bước vào năm mới?”.
“Nhiều người hỏi sao không dành số tiền đó cho người nghèo, người già neo đơn, xây dựng các công trình phúc lợi. Nghe thì có vẻ hợp tình hợp lý nhưng hiện Nhà nước đã và đang có những chính sách chăm lo cho người nghèo. Việc chăm sóc tinh thần cho những người… không nghèo cũng phải nên quan tâm chứ!” - bạn Mạnh Cường nêu quan điểm.
Tương tự, bạn Trần Thiều nói: “Nghèo khổ thì chính quyền địa phương đã hỗ trợ rồi. Tổ chức vui chơi cho người dân vào dịp tết hay những ngày lễ lớn tuy có tốn kém nhưng cũng nên làm để dân vui và phấn khởi khi xuân về”.
Bạn Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi: “Không có pháo hoa khác nào dẹp luôn cái tết cổ truyền. Không có pháo hoa là không có không khí tết. Không nên nói bắn pháo hoa là lãng phí. Chẳng nhẽ mọi người chào đón giao thừa bằng cách… đắp chăn ngủ?”.
“Bắn pháo hoa không phải đơn giản là việc bỏ tiền của để bắn pháo hoa cho có hình thức trong gần nửa tiếng đồng hồ sau thời khắc chuyển giao của năm, mà nó gần như là phong tục, tập quán của người Việt Nam cũng như của thế giới. Khi khoảnh khắc giao thừa đến, hình ảnh về chùm pháo hoa sẽ làm người ta cảm thấy phấn khởi, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất trong năm mới” - bạn Trần Văn Hiên chia sẻ.
* * *
Có thể thấy hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc nên hay không nên bắn pháo hoa trong ngày tết. Trong đó rất nhiều bạn đọc quan tâm đến việc tổ chức bắn pháo hoa như thế đã tiết kiệm chưa, có sắp xếp hợp lý chưa, chi tiêu cho việc bắn pháo hoa so với ngân sách địa phương đã hợp lý, tiết kiệm như thế nào. Bởi suy cho cùng, để mang lại giá trị tinh thần cho người dân thì phải chấp nhận một sự tốn kém. Người ta xuýt xoa vì sự tốn kém này chứ không ai đả phá niềm vui khi ngắm những chùm pháo hoa trong đêm trừ tịch.