Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó ban Tôn giáo TP.HCM, xung quanh những hành vi cực đoan gần đây của các nhóm nhân danh Hội thánh của Đức Chúa Trời (HTCĐCT).
“Không có khái niệm tà giáo hay chính giáo”
. Phóng viên: Thưa ông, ở TP.HCM đã có hội nhóm tôn giáo nào hoạt động cực đoan với danh nghĩa HTCĐCT chưa?
+ Ông Nguyễn Hoàng Giang: Ngoài một nhóm xưng là HTĐCT mẹ hoạt động trái phép, tuyên truyền về ngày tận thế gây lo lắng và đã bị xử lý năm 2011 thì thời gian gần đây có những người tuyên truyền tôn giáo ngoài công viên, trong trường học hoặc tuyên truyền mê tín dị đoan. Đây là những hoạt động truyền giáo trái phép nên các cơ quan chức năng phải xử lý theo pháp luật.
Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo quy định chức sắc, tín đồ được phép hoạt động tại cơ sở tôn giáo hợp pháp. Những cơ sở không phải cơ sở tôn giáo hoặc cơ sở hợp pháp được Nhà nước cho phép mặc nhiên được coi là hoạt động trái phép, sẽ bị xử lý. Trường học không phải môi trường truyền giáo, không truyền bá tư tưởng tôn giáo, mặc dù không cấm đoán tôn giáo. Tôn giáo có môi trường riêng.
Là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi không có khái niệm tà giáo hay chính giáo, mà chỉ sử dụng luật pháp để điều chỉnh. Các hành vi vi phạm pháp luật có thể bị xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy mức độ.
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Trưởng ban Tôn giáo TP.HCM, đang trao đổi với PV báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: HL
Phủ nhận quá khứ, hiện tại, tương lai sẽ bị đào thải
. Gần đây, báo chí phản ánh nhiều vụ liên quan tín ngưỡng tôn giáo khá cực đoan như đập bàn thờ, ly khai gia đình, tuyên truyền ngày tận thế. Quan điểm của ông thế nào?
+ Theo tôi, có những hiện tượng tôn giáo và tương tự tôn giáo. Một vài hiện tượng tương tự tôn giáo như đập phá bàn thờ đánh vào thuần phong mỹ tục của dân tộc là hành vi không chấp nhận được. Các hành động này cũng đã bị phản ứng dữ dội. Đây cũng là lời cáo chung đối với họ, vấn đề chỉ là thời gian, không ai đi ngược lại nền nếp và văn hóa của cả cộng đồng. Cái gì phủ nhận cả quá khứ, hiện tại và tương lai ắt hẳn sẽ bị đào thải.
Các tôn giáo chính thống đã có những thay đổi phù hợp quá trình hội nhập và hợp tác. Chúng ta phải thấy các giáo hội trên thế giới trước đây có một số quan điểm cứng rắn không chấp nhận đức tin khác nhưng theo xu thế hội nhập, họ bắt đầu thay đổi. Ví dụ, Công giáo quan niệm không thắp nhang, giảng lễ ít sử dụng tiếng địa phương nhưng sau này đã địa phương hóa tôn giáo và đối thoại với tôn giáo khác thiện chí.
. Vậy luật pháp có công cụ để điều chỉnh các hành vi lệch chuẩn này không?
+ Thực ra công tác tôn giáo theo Nghị quyết 25-NQ/TW của Đảng khẳng định công tác tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cốt lõi của công tác tôn giáo là vận động quần chúng; việc đấu tranh với hiện tượng lệch chuẩn về tôn giáo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó công tác vận động được đặt lên hàng đầu.
Chính quyền các cấp phải tham gia tốt công tác vận động, có các chính sách phát triển văn hóa xã hội, phong trào thi đua yêu nước thu hút đồng bào tôn giáo tham gia, sẽ góp phần quản lý tôn giáo. Cố gắng không dùng biện pháp hành chính mạnh đối với tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo. Tất nhiên, khi họ cực đoan, thái quá, tạo băng hoại, phá vỡ hạnh phúc gia đình, gây hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, luật pháp phải vào cuộc xử lý thôi.
Một vài người lợi dụng tôn giáo thì chúng ta xử lý những cá nhân đó thôi, không để ảnh hưởng tới các tổ chức đã hoạt động tốt đẹp, đã đóng góp cho xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc.
Những cái tương tự tôn giáo và tư tưởng cực đoan
. Ông có thể giải thích tại sao nhiều người dễ bị lôi kéo như vậy?
+ Với 20 năm làm trong lĩnh vực tôn giáo, đủ thời gian quan sát sự du nhập, phát triển của một số tôn giáo, tôi nhận thấy hiện tượng người dân dễ đi theo tôn giáo mới cực đoan không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác. Nhật Bản từng có hiện tượng giết người hàng loạt bởi một tôn giáo mới hoặc nhiều thanh niên đi theo lời kêu gọi thánh chiến của tổ chức tôn giáo cực đoan IS.
Như ý kiến của bạn, những người thiếu nền tảng tư tưởng bài bản sẽ dễ ngả theo các hiện tượng lệch chuẩn. Mặt khác, với những người vốn đã cực đoan, nếu không có các tôn giáo đấy thì họ cũng sẽ dễ dàng tiếp xúc với những tư tưởng lệch chuẩn đến từ các nguồn khác. Nhưng nói vậy không có nghĩa là những cái tương tự tôn giáo tạo ra những tư tưởng cực đoan là vô can, vì đây là mối quan hệ hai chiều, nó góp phần tạo ra môi trường tập trung cho nhóm người đó.
. Ông có nhận xét gì về quy định cấp phép cho hoạt động của các hội tôn giáo hiện nay?
+ Trong quá trình xây dựng pháp luật về tôn giáo, cho tới nay chúng ta đã có khung luật pháp đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng chính đáng và phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đâu đó siết chặt hay buông lỏng quản lý chỉ là cá biệt, đây là vấn đề liên quan con người chứ không phải lỗi hệ thống pháp lý về tôn giáo. Theo tôi, hệ thống pháp luật đang ngày càng hoàn thiện. Chúng ta tăng cường quản lý nhà nước mà không cần phải siết các quy định. Đừng do thấy cá biệt mà đi siết toàn bộ hoạt động tôn giáo khác.
Từ một số hiện tượng cá biệt, không cần phải thay đổi nhãn quan quản lý nhà nước. Ở Pháp, Đức, sau việc một số tổ chức khủng bố nhân danh các tổ chức tôn giáo, họ buộc phải tăng tốc công tác quản lý nhà nước, siết chặt kiểm tra các nơi công cộng như ga tàu, sân bay. Do đó, có thể thấy có chấn động xã hội nhất định, họ mới phải tăng tốc quản lý. Nhìn nhận ở Việt Nam, các tôn giáo đang đóng góp tốt cho lợi ích xã hội, không có lý do gì phải siết chặt bất thường.
. Xin cám ơn ông.
Các nhóm truyền đạo trái phép đã bị xử lý Năm 2010-2011 có một vài nhóm tôn giáo đi đến các công viên, trường học ở TP.HCM truyền đạo nhân danh HTĐCT mẹ. Các nhóm này tuyên truyền về ngày tận thế để lôi kéo nhiều người tin, nghe theo. Tôi đã có quan điểm rõ ràng rằng các tôn giáo chính thống không ai tuyên truyền về ngày tận thế cả, vì điều này gây ra sự hoang mang, sợ hãi. Việc tuyên truyền ở nơi công cộng, trường học cũng rõ ràng là vi phạm pháp luật. Nhóm này đã bị xử lý và đã ngưng các hoạt động trái phép. Ông NGUYỄN HOÀNG GIANG, |